Tuy nhiên, năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Công văn 932/BVHTTDL-TTr gửi UBND các tỉnh về chấm dứt việc công nhận cây di sản.
Hiện tại, việc công nhận cây di sản vẫn được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam thực hiện hằng năm.
Ông Thiết hỏi, chính quyền địa phương, UBND các xã/phường/thị trấn có được tổ chức đón nhận cây di sản Việt Nam không?
Về vấn đề này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời như sau:
Luật Di sản văn hóa không quy định việc tôn vinh hoặc công nhận danh hiệu cây di sản Việt Nam.
Ngày 10/3/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Công văn số 932/BVHTTDL-TTr gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chấn chỉnh việc chứng nhận, tôn vinh trên địa bàn khi những hoạt động này chưa có quy định pháp luật cho phép thực hiện. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành văn bản nêu trên là thực hiện chức năng quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao, du lịch theo quy định của pháp luật.
Ngày 6/9/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Công văn số 3754/BVHTTDL-TTr báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ: "Việc chứng nhận, tôn vinh của các liên hiệp hội đã vi phạm các quy định của pháp luật về thi đua - khen thưởng, di sản văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo. Việc làm của các tổ chức liên hiệp hội không được pháp luật quy định thì các đối tượng tiếp nhận không thuộc diện điều chỉnh của các quy định và chế độ, chính sách của Nhà nước dễ gây hiểu nhầm và dư luận không tốt trong xã hội giữa các đối tượng được Nhà nước trao tặng danh hiệu, công nhận, vinh danh và cấp bằng với các đối tượng do các liên hiệp hội nêu trên công nhận".
Ngày 29/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 10316/VPCP-TCCV chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hội, trong đó lưu ý quản lý chặt chẽ việc công nhận, tôn vinh, phong tặng các danh hiệu theo quy định của pháp luật và điều lệ của hội.
Đối với các loại cây cổ thụ nằm trong khu vực bảo vệ của di tích đã được xếp hạng, được xác định là thành phần tạo nên cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích thì đương nhiên được bảo vệ theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, không phụ thuộc vào việc ghi danh ở một hình thức khác.
Theo đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương bảo vệ, quản lý, có biện pháp giữ gìn, kéo dài tuổi thọ của các cây cổ thụ.
Đối với các cây cổ thụ nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích, thẩm quyền tôn vinh do các bộ, cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành về hội quy định phù hợp với pháp luật chuyên ngành và chức năng, nhiệm vụ theo Điều lệ của hội.
Vì vậy, đề nghị Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường các tỉnh báo cáo bộ chủ quản về Hội bổ sung vào văn bản pháp luật liên quan để tăng cường bảo vệ, quản lý, giữ gìn, kéo dài tuổi thọ của các cây cổ thụ, đảm bảo tính chính danh của chương trình tôn vinh cây di sản Việt Nam.
Ngày 9/10/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 4300/BVHTTDL-DSVH gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc quản lý các cây cổ thụ nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh.
Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét việc cấp Bằng công nhận "Cây di sản Việt Nam" của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, "Cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam" của Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, đồng thời cho ý kiến về việc quản lý đối với những cây cổ thụ nằm ngoài di tích để có phương án bảo vệ phù hợp với quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân các địa phương và các tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Liên quan đến chương trình tôn vinh cây di sản Việt Nam, ngày 25/6/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Công văn số 2638/BVHTTDL-TTr gửi Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Phú Thọ (được đăng tải tại địa chỉ: https://bvhttdl.gov.vn/van-ban-quan-ly/121306.htm).
Chinhphu.vn