Thời hạn lưu trữ hồ sơ triển khai thực hiện nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyên môn, nghiệp vụ thuộc ngành Công Thương là 20 năm
Theo Thông tư quy định, tài liệu ngành Công Thương được lưu trữ vĩnh viễn và lưu trữ có thời hạn, áp dụng với 02 nhóm hồ sơ, tài liệu sau:
Nhóm 1. Hồ sơ, tài liệu chung ngành Công Thương.
Nhóm 2. Hồ sơ, tài liệu các lĩnh vực chuyên môn ngành Công Thương.
Thông tư quy định, thời hạn lưu trữ hồ sơ triển khai thực hiện nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyên môn, nghiệp vụ thuộc ngành Công Thương; hồ sơ xây dựng chương trình công tác, kế hoạch triển khai các chuyên môn, nghiệp vụ của ngành Công Thương; hồ sơ phê duyệt danh mục quản lý hoạt động các lĩnh vực ngành Công Thương; hồ sơ hướng dẫn thực hiện quy định, chiến lược, chính sách, phương án, kế hoạch, đề án, chương trình phát triển các lĩnh vực ngành Công Thương... là 20 năm.
Lưu trữ vĩnh viễn đối với hồ sơ xây dựng các văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ ngành Công Thương; hồ sơ xây dựng, điều chỉnh chiến lược, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển, chương trình phát triển dài hạn và trung hạn các lĩnh vực ngành Công Thương được phê duyệt; hồ sơ xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, dự án, chương trình mục tiêu ngành Công Thương được phê duyệt.
Hồ sơ hội nghị, hội thảo chuyên môn, nghiệp vụ ngành Công Thương; hồ sơ trao đổi, tham gia ý kiến chuyên môn, nghiệp vụ các lĩnh vực ngành Công Thương; hồ sơ về tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin các lĩnh vực ngành Công Thương... thời hạn lưu trữ là 10 năm.
Theo Thông tư quy định, nhóm hồ sơ, tài liệu lĩnh vực chuyên môn ngành Công Thương gồm các lĩnh vực: Năng lượng; hóa chất; vật liệu nổ công nghiệp; công nghiệp; an toàn thực phẩm; an toàn kỹ thuật công nghiệp; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thương mại và thị trường trong nước; thị trường ngoài nước, hợp tác khu vực và song phương; hội nhập kinh tế quốc tế; xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; cạnh tranh; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thương mại điện tử và kinh tế số; xúc tiến thương mại; phòng vệ thương mại.
Trong đó, hồ sơ, tài liệu quản lý lĩnh vực năng lượng: Lưu trữ vĩnh viễn đối với hồ sơ đàm phán để ký kết các văn kiện trong lĩnh vực điện, than, dầu khí, năng lượng mới, năng lượng tái tạo và năng lượng khác; hồ sơ thẩm định dự án, công trình trong lĩnh vực trung và hạ nguồn; hồ sơ xây dựng, ban hành Hiệp định Liên Chính phủ, Nghị định thư về dầu khí; hồ sơ phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; hồ sơ phê duyệt cơ chế điều hành khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí...
Hồ sơ tổ chức thực hiện vận hành hệ thống điện, thị trường điện; hồ sơ hoạt động sản xuất, kinh doanh than và cung cấp than cho sản xuất điện; hồ sơ kiểm tra và giám sát tình hình cung cấp điện; hồ sơ vận hành hệ thống điện đảm bảo cân bằng cung cầu điện... thời hạn lưu trữ là 20 năm.
Đối với lĩnh vực hóa chất: Lưu trữ 20 năm đối với hồ sơ quản lý hóa chất sử dụng trong các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng; hồ sơ cho phép sản xuất, xuất nhập khẩu, sử dụng hoá chất cấm cho các mục đích đặc biệt theo quy định; hồ sơ thông tin an toàn hoá chất; hồ sơ đăng ký hoá chất mới...
Trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp: Hồ sơ quản lý hoạt động nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp do các tổ chức khoa học và công nghệ hoặc doanh nghiệp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp thực hiện; hồ sơ quản lý hoạt động kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp; hồ sơ xử lý kiến nghị về hoạt động nổ mìn thời hạn lưu trữ là 20 năm...
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 01/7/2025.
Minh Hiển