Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội giải đáp thắc mắc của ông Nguyễn Văn Hùng như sau:
Khoản 1 Điều 94 Luật Bảo hiểm xã hội quy định: Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Tiền lương này được tính trên cơ sở mức lương tối thiểu chung.
Căn cứ quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 42 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP; Điểm a, khoản 1 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế được hướng dẫn tại điểm a, khoản 2, Điều 3 Nghị định số 62/2009/NĐ-CP và khoản 1, Điều 25 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP, thì mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động năm 2013 như sau: Bảo hiểm xã hội = 7%; Bảo hiểm y tế = 1,5%; Bảo hiểm thất nghiệp = 1% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội.
Trường hợp ông Nguyễn Văn Hùng, là giáo viên vừa được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo theo Nghị định 54/2011/NĐ-CP, là đối tượng hưởng lương theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, căn cứ các quy định nêu trên thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của ông Hùng là tiền lương theo ngạch, bậc và phụ cấp thâm niên nhà giáo, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Tiền lương này được tính trên cơ sở mức lương tối thiểu chung.
Mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động năm 2013 là Bảo hiểm xã hội = 7%; Bảo hiểm y tế = 1,5%; Bảo hiểm thất nghiệp = 1% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.
Tin liên quan:
- Quy định về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc
- Mức tiền lương làm căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội