Ảnh minh họa |
Theo Thông tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định thời gian, địa điểm, số lượng từng loại tiền in, đúc hỏng tiêu hủy; quyết định thành lập Hội đồng tiêu hủy tại cơ sở in, đúc tiền.
Việc tổ chức tiêu hủy tiền in, đúc hỏng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn tài sản và bí mật Nhà nước. Sau khi tiêu hủy, tiền in, đúc hỏng phải trở thành phế liệu và không thể sử dụng lại được. Đối với tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng bằng chất liệu polymer, sau khi cắt hủy xong, cơ sở in, đúc tiền thực hiện hủy hoàn toàn (thủy phân, nung ở nhiệt độ cao hoặc phương pháp khác) trước khi bán cho các cơ sở thu mua phế liệu.
Theo Thông tư, tiền in hỏng đem tiêu hủy phải là những hình đã được cắt góc hoặc đánh dấu hỏng. Giấy in tiền hỏng bị rách phải can dán đủ mảnh cùng loại, trường hợp thiếu mảnh phải có biên bản của cơ sở in, đúc tiền. Tiền đúc hỏng và kim loại đúc tiền hỏng đem tiêu hủy phải là những miếng đã được đánh dấu hỏng.
Tiền in, đúc hỏng tiêu hủy theo Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải được kiểm đếm 100% và tiêu hủy đúng với số lượng thực tế sau kiểm đếm.
Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, việc giao nhận, kiểm đến, cắt hủy tiền in, đúc hỏng phải được thực hiện trong các gian phòng riêng biệt có cửa, khóa đảm bảo an toàn theo quy định hiện hành về chế độ giao nhận, bảo quản tiền của Ngân hàng Nhà nước.
Về các công đoạn tiêu hủy tiền in, đúc hỏng, Thông tư nêu rõ, đối với tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng bằng chất liệu cotton và tiền đúc hỏng, kim loại đúc tiền hỏng, quy trình tiêu hủy gồm 3 công đoạn: Công đoạn giao nhận do Tổ giao nhận thực hiện; công đoạn kiểm đếm do Tổ kiểm đếm thực hiện và công đoạn cắt hủy do Tổ cắt hủy thực hiện.
Đối với tiền in hỏng, giấy in tiền hỏng bằng chất liệu polymer, quy trình tiêu hủy gồm 4 công đoạn: Giao nhận, kiểm đếm, cắt hủy theo quy định trên và công đoạn hủy hoàn toàn do cơ sở in, đúc tiền thực hiện.
Tại Thông tư, Ngân hàng Nhà nước đã nêu rõ trình tự, thủ tục đối với từng công đoạn.
Thanh Hoài