Tuyển thẳng và xét tuyển học sinh dân tộc thiểu số vào dự bị đại học |
Đối tượng được tuyển thẳng là: Thí sinh người dân tộc thiểu số rất ít người đã tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) theo quy định tại Nghị định số 57/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người; thí sinh cử tuyển theo quy định tại Nghị định số 141/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số.
Đối tượng được xét tuyển: Thí sinh là người dân tộc thiểu số thường trú từ 18 tháng liên tục trở lên (tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký tuyển sinh) tại các xã thuộc khu vực 1 (KV1) quy định tại “Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non” do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; có cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ thường trú tại khu vực này.
Trường DBĐH được tuyển không quá 5% tổng số chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm thí sinh là người dân tộc Kinh thường trú từ 36 tháng liên tục trở lên (tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký tuyển sinh) tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của cấp có thẩm quyền; có cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ thường trú tại vùng này.
Mỗi học sinh chỉ được học một lần DBĐH; các đối tượng đang học hoặc đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng không được xét tuyển vào DBĐH.
Điều kiện xét tuyển
Trường DBĐH sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm xét tuyển hoặc kết quả học tập THPT ghi trong học bạ để xét tuyển.
Điều kiện xét tuyển đối với thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm xét tuyển như sau: Tốt nghiệp THPT; tổng điểm ba bài thi/môn thi (không tính điểm ưu tiên) của tổ hợp xét tuyển đạt từ 12,0 điểm trở lên và mỗi bài thi/môn thi trong tổ hợp xét tuyển đạt trên 1,0 điểm theo thang điểm 10; xếp loại rèn luyện (hạnh kiểm) ba năm học THPT đạt từ mức Khá trở lên.
Điều kiện xét tuyển đối với thí sinh sử dụng kết quả học tập THPT: Tốt nghiệp THPT; kết quả xếp loại học tập từ mức Đạt (Trung bình) trở lên và kết quả xếp loại rèn luyện (hạnh kiểm) từ mức Khá trở lên trong ba năm học THPT; điểm trung bình cộng của ba môn theo tổ hợp xét tuyển của năm học lớp 12 từ 6,0 trở lên.
Hằng năm, trường DBĐH căn cứ các quy định của Quy chế này, căn cứ các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học gồm đội ngũ giáo viên, nhân viên, cơ sở vật chất để xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Kế hoạch tuyển sinh gồm các nội dung chính sau: Đối tượng và phương thức tuyển sinh; các tổ hợp môn xét tuyển; phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và phương thức xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT; thời gian thu hồ sơ đăng ký tuyển sinh, công bố kết quả tuyển sinh; tổ chức công tác tuyển sinh.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Khánh Linh