Theo phản ánh của ông Trung, công trình đang triển khai thi công xây dựng được một số hạng mục dở dang thì dừng thực hiện để bàn giao cho đơn vị khác theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Các bên liên quan gồm: Chủ đầu tư, tư vấn giám sát, tư vấn quản lý dự án, đơn vị thi công, tư vấn thiết kế đã tiến hành kiểm tra hiện trường, đo vẽ hiện trạng,… để xác định điểm dừng kỹ thuật, tính toán khối lượng đã thi công, tổ chức thanh quyết toán theo điểm dừng kỹ thuật,…
Ông Trung hỏi, trong trường hợp này có phải thực hiện theo Điều 13 Thông tư 26/2016/TT-BXD ngày 26/10/2016 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng hay không? Có mời cơ quan chuyên môn về xây dựng (Sở Xây dựng) tham gia kiểm tra và thông báo kết quả kiểm tra bằng văn bản hay không?
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Các công trình xây dựng quy định tại Khoản 1, Điều 32 Nghị định 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 2, Điều 32 Nghị định 46/2015/NĐ-CP kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng công trình.
Căn cứ vào loại và cấp của từng công trình, cơ quan chuyên môn về xây dựng quyết định thời điểm tổ chức kiểm tra khi công trình kết thúc các giai đoạn thi công quan trọng (ví dụ: Đối với công trình xây dựng dân dụng, các giai đoạn thi công quan trọng gồm móng và phần ngầm – kết cấu phần thân – cơ điện (thiết bị) và hoàn thiện; đối với công trình cầu, các giai đoạn gồm móng, mố trụ - dầm cầu – hoàn thiện; đối với công trình đường, các giai đoạn gồm nền đường (các lớp nền) – móng đường – áo đường…) và khi nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng theo quy định tại Điều 13 Thông tư 26/2016/TT-BXD.
Trường hợp của ông Trung hỏi thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, các nhà thầu (thiết kế, giám sát, thi công xây dựng,…) và các chủ thể khác có liên quan theo quy định của pháp luật về xây dựng, không thuộc các trường hợp như nội dung nêu trên.