Ông Hoàng Trường (Phú Thọ) đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn tình huống như sau:
UBND tỉnh A ký thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp B, trong thỏa thuận đó doanh nghiệp B có trách nhiệm hỗ trợ tỉnh A triển khai các nội dung liên quan đến giải pháp về hệ thống (bao gồm phần cứng và phần mềm) và các ứng dụng công nghệ thông tin có liên quan để xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, hệ thống quản lý hành chính thông minh và các lĩnh vực quản lý Nhà nước cần ứng dụng công nghệ thông tin khác (doanh nghiệp B sẽ hỗ trợ về mặt giải pháp tài chính như cho trả chậm, không tính lãi suất, hỗ trợ thiết bị hiện đại, không tính phí bảo hành - có thể thay mới thiết bị bất cứ lúc nào thiết bị có vấn đề, hỗ trợ công tác bảo trì hệ thống cả về phần mềm và phần cứng, hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ).
Khi triển khai, UBND tỉnh A chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của tỉnh, UBND các huyện, thành thị của tỉnh phối hợp với doanh nghiệp B để triển khai các dự án thuộc lĩnh vực đã ký thỏa thuận giữa UBND tỉnh A với doanh nghiệp B, trong đó có những dự án theo giá trị tổng mức đầu tư phải thực hiện đấu thầu rộng rãi.
Ông Trường hỏi, UBND tỉnh A có làm trái các quy định về Luật Đấu thầu không?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Điểm a, Khoản 1, Điều 1 Luật Đấu thầu quy định lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp đối với dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn Nhà nước của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu.
Theo đó, trường hợp UBND tỉnh A, UBND cấp huyện sử dụng vốn Nhà nước để triển khai nội dung liên quan đến giải pháp về hệ thống và ứng dụng công nghệ thông tin có liên quan thì thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu.
Chinhphu.vn