Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội giải đáp thắc mắc của ông Quốc như sau:
Cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình: công lập, dân lập và tư thục. Cơ sở giáo dục dân lập và cơ sở giáo dục tư thục được quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 18 Nghị định 75/2006/NĐ-CP ngày 2/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Giáo dục.
Theo đó, cơ sở giáo dục dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Cộng đồng dân cư cấp cơ sở gồm tổ chức và cá nhân tại thôn, bản, ấp, xã, phường, thị trấn.
Cơ sở giáo dục dân lập hoạt động trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, nhân lực và được chính quyền địa phương hỗ trợ. Không thành lập cơ sở giáo dục dân lập ở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục dân lập, UBND cấp xã trực tiếp quản lý cơ sở giáo dục dân lập.
Cơ sở giáo dục tư thục do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động của cơ sở giáo dục tư thục là nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.
Chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục
Điều 28 Nghị định 75/2006/NĐ-CP quy định việc chuyển đổi cơ sở giáo dục bán công, dân lập thành lập trước ngày 1/1/2006 sang loại hình khác như sau:
Đối với giáo dục mầm non: Ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cơ sở giáo dục bán công chuyển thành cơ sở giáo dục công lập; ở các vùng còn lại, cơ sở giáo dục bán công chuyển thành cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; trường hợp giữ nguyên loại hình dân lập phải bảo đảm đúng quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định này.
Đối với giáo dục phổ thông: Cơ sở giáo dục bán công, dân lập chuyển thành cơ sở giáo dục tư thục. Trong trường hợp chuyển một số cơ sở giáo dục bán công sang loại hình công lập thì UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định.
Đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học: Cơ sở giáo dục bán công, dân lập chuyển thành cơ sở giáo dục tư thục.
Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc chuyển đổi loại hình của các cơ sở giáo dục đại học bán công, dân lập được thành lập trước ngày 1/1/2006.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội theo thẩm quyền, quy định trình tự, thủ tục chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục bán công, dân lập ở các cấp học và trình độ đào tạo sang cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục.
Chế độ đối với nhà giáo ở trường tư thục
Khoản 3 Điều 29 Nghị định 75/2006/NĐ-CP quy định, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục thực hiện việc tuyển dụng, quản lý nhà giáo, cán bộ, nhân viên làm việc tại cơ sở mình theo quy định tại khoản 2 Điều 65 của Luật Giáo dục.
Theo đó, trường dân lập, trường tư thục tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động giáo dục, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, huy động, sử dụng và quản lý các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giáo dục.
Trường hợp ông Lê Quốc hỏi, theo các quy định nêu trên thì kể từ ngày Nghị định 75/2006/NĐ-CP có hiệu lực (17/8/2006) không còn thành lập cơ sở giáo dục dân lập ở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học nữa. Đối với những cơ sở giáo dục dân lập đã thành lập trước ngày 1/1/2006 được chuyển đổi sang loại hình cơ sở giáo dục tư thục.
Riêng cơ sở giáo dục mầm non bán công ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được chuyển thành cơ sở giáo dục mầm non công lập. Trường hợp đang là cơ sở giáo dục mầm non dân lập, nếu giữ nguyên loại hình dân lập phải bảo đảm đúng quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định này.
Chế độ đối với giáo viên đang giảng dạy ở trường dân lập sau khi chuyển đổi thành trường tư thục không thay đổi vì cùng được quy định chung tại Khoản 3 Điều 29 Nghị định này, do trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.