In bài viết

Quy định về dán logo trên phương tiện vận tải hợp đồng

(Chinhphu.vn) – Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Hiệp hội Taxi Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM đề nghị Bộ Giao thông vận tải ban hành quy định về việc nhận diện đối với các phương tiện tham gia thí điểm, như dán logo của đơn vị vận tải với kích thước tối thiểu 20x30cm trên 2 cánh cửa xe; gắn hộp đèn có tên đơn vị vận tải.

15/03/2018 14:02
Đồng thời, các doanh nghiệp vận tải phải đăng ký với Sở Giao thông vận tải nơi cấp phù hiệu để cấp, dán tem cho các phương tiện thí điểm. Cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, xử phạt khi các xe có phù hiệu, logo nhưng cố tình không dán lên xe theo quy định.

Các Hiệp hội Taxi cũng đề nghị xem xét lại quy định tại Điều 21 dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP. Với quy định này, đơn vị vận tải phải dán logo của đơn vị cung cấp phần mềm mà không dán logo của doanh nghiệp. Như vậy, sẽ không thấy vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã đối với 50.000 xe hiện nay và sắp tới là hàng nghìn xe chạy trong mạng lưới của Grab – Uber, tạo ra một hệ thống taxi độc quyền trong cả nước dưới sự điều hành kinh doanh của Grab – Uber.

Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:

Bộ Giao thông vận tải đã có rất nhiều văn bản làm rõ Grab - Uber là 2 loại hình vận tải khách theo hợp đồng, được các Sở Giao thông vận tải cấp phù hiệu xe hợp đồng, thực hiện vận chuyển khách theo hợp đồng, đáp ứng đúng quy định của Nghị định 86/2014/NĐ-CP và Thông tư 63/2014/TT-BGTVT đối với xe hợp đồng.

Bản chất của việc thí điểm này là thay hợp đồng giấy bằng ứng dụng hợp đồng điện tử cho xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng loại dưới 9 chỗ, không phải là loại hình kinh doanh vận tải khách bằng taxi. Do vậy, đây là kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng cho xe dưới 9 chỗ (sử dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng bằng giấy) theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải.

Theo quy định tại Điều 37 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì việc tổ chức giao thông đối với các phương tiện và việc cấp Giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu xe hợp đồng theo quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP và Thông tư 63/2014/TT-BGTVT đã quy định Sở Giao thông vận tải địa phương thực hiện cấp và quản lý.

Trường hợp các đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng không đáp ứng các điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP và Thông tư 63/2014/TT-BGTVT thì sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Do đó, phương tiện vận chuyển hàng khách theo hợp đồng điện tử cũng phải chấp hành đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, trong đó việc niêm yết theo quy định tại Khoản 1 Điều 44 Thông tư 63/2014/TT-BGTVT, cụ thể:

“1. Niêm yết: tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe.

Niêm yết ở vị trí lái xe dễ nhận biết khi điều khiển phương tiện khẩu hiệu: “Tính mạng con người là trên hết” theo mẫu quy định tại Phụ lục 10 Thông tư này.”

Ngoài ra, theo quy định tại Kế hoạch ban hành kèm Quyết định số 24/QĐ-BGTVT cũng đã yêu cầu đơn vị cung cấp phần mềm Xây dựng kế hoạch thiết kế, in ấn, cấp logo cho xe tham gia thí điểm. Nội dung này Bộ Giao thông vận tải đang tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung vào Quyết định số 24/QĐ-BGTVT để bảo đảm thuận tiện hơn nữa cho cơ quan quản lý nhà nước và hành khách phân biệt được giữa các xe tham gia Đề án thí điểm và xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thông thường.

Trong quá trình triển khai thí điểm, Bộ Giao thông vận tải đã nhận được báo cáo số 4152/SGTVT-QLVT ngày 25/9/2017 của Sở Giao thông vận tải Hà Nội và đề xuất kiến nghị của Hiệp hội, doanh nghiệp đề xuất một số biện pháp tăng cường công tác quản lý hoạt động thí điểm, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1850/TTg-KTN và Quyết định số 24/QĐ-BGTVT.

Đồng thời tăng cường công tác phối hợp trong quản lý vận tải, ngày 4/10/2017, Bộ Giao thông vận tải đã có Văn bản số 11246/BGTVT-VT đề nghị UBND tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Hồ Chí Minh chỉ đạo một số nội dung, trong đó có nội dung chỉ đạo Sở Giao thông vận tải: “Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị tham gia thí điểm trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành và các quy định tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT; xây dựng và ban hành mẫu logo chung để dán trên phương tiện thí điểm (phương tiện của tất cả các doanh nghiệp, hợp tác xã có phương tiện thí điểm); tiếp tục rà soát, lập danh sách phương tiện tham gia thí điểm; cung cấp danh sách phương tiện tham gia thí điểm trên địa bàn cho cơ quan Cảnh sát giao thông, cơ quan thuế cùng cấp để kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hàng khách theo hợp đồng, phương tiện tham gia thí điểm”.

Về góp ý Điều 21 dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP, nội dung này Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu các kiến nghị của chính các Hiệp hội (đã đề nghị trước đây và đề xuất của Sở Giao thông vận tải có thí điểm) để tiếp thu đưa vào nội dung quản lý tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP.

Tuy nhiên, tại cuộc Hội thảo diễn ra ngày 23/1/2018 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức thì ý kiến của một số chuyên gia cho rằng xe hợp đồng đã có phù hiệu để nhận biết, không nên "đẻ" thêm quy định. Đây là vấn đề mới cần được xem xét, Bộ Giao thông vận tải ghi nhận và tiếp tục nghiên cứu đối với quy định này.

Chinhphu.vn