In bài viết

Quy định về lãi suất cho vay tiêu dùng

(Chinhphu.vn) – Thỏa thuận cho vay phải được lập thành văn bản, trong đó tối thiểu có các nội dung như số tiền cho vay, mục đích sử dụng vốn vay, đồng tiền cho vay, đồng tiền trả nợ, phương thức cho vay, thời hạn cho vay, lãi suất cho vay theo thỏa thuận, xử lý nợ vay, phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại, quyền và trách nhiệm của các bên...

27/10/2017 10:02

Ông Nguyễn Văn Huy (TPHCM) vay tín chấp của 1 tổ chức vay tiêu dùng tín chấp với số tiền là 30 triệu đồng, kỳ hạn 36 tháng. Tuy nhiên, theo ông Huy việc vay tín chấp tại tổ chức này có nhiều vấn đề không minh bạch như sau:

- Lãi suất cho vay là 3,75%/tháng (45%/năm).

- Hồ sơ hợp đồng không rõ ràng, chỉ có một bản bên cho vay giữ, bên vay chỉ giữ bản photo và không có bất kỳ chữ ký hay con dấu nào.

- Tư vấn lãi suất thấp nhưng khi làm hợp đồng thì lãi suất cao.

Ông Huy đề nghị cơ quan chức năng có hướng quản lý nhằm tạo ra sự công bằng và rõ ràng cho loại hình vay tín chấp ở công ty này.

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến như sau:

Tại Khoản 1, Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại Khoản 2 Điều này.

Khoản 1, Điều 16 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định, tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp cho khách hàng đầy đủ các thông tin trước khi xác lập thỏa thuận cho vay: Lãi suất cho vay; nguyên tắc và các yếu tố xác định, thời điểm xác định lãi suất cho vay đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh; lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; phương pháp tính lãi tiền vay; loại phí và mức phí áp dụng đối với khoản vay; các tiêu chí xác định khách hàng vay vốn theo lãi suất cho vay quy định tại Khoản 2, Điều 13 Thông tư này.

Tại Khoản 1, Điều 23 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về thỏa thuận cho vay phải được lập thành văn bản, trong đó tối thiểu có các nội dung như số tiền cho vay, mục đích sử dụng vốn vay, đồng tiền cho vay, đồng tiền trả nợ, phương thức cho vay, thời hạn cho vay, lãi suất cho vay theo thỏa thuận, xử lý nợ vay, phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại, quyền và trách nhiệm của các bên...

Tại Khoản 3, Điều 23 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định thỏa thuận cho vay theo quy định tại Điều này được lập dưới hình thức thỏa thuận cho vay cụ thể hoặc thỏa thuận khung và thỏa thuận cho vay cụ thể.

Theo Khoản 4, Điều 23 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, trường hợp sử dụng hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung trong giao kết thỏa thuận cho vay, tổ chức tín dụng phải thực hiện niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cho vay tại trụ sở và đăng tải trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng; cung cấp đầy đủ thông tin về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho khách hàng biết trước khi ký kết thỏa thuận cho vay và có xác nhận của khách hàng về việc đã được tổ chức tín dụng cung cấp đầy đủ thông tin.

Quy định về lãi suất cho vay và hợp đồng vay vốn

Tại Khoản 1, Điều 9 Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Khoản 2, Điều 9 Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định công ty tài chính ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng.

Tại Khoản 1, Điều 10 Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về hợp đồng cho vay tiêu dùng phải được lập thành văn bản, trong đó tối thiểu phải có nội dung như sau:

- Lãi suất cho vay tiêu dùng theo thỏa thuận và mức lãi suất cho vay tiêu dùng quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó;

- Nguyên tắc và các yếu tố xác định lãi suất, thời điểm xác định lãi suất cho vay đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh;

- Lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn;

- Lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả;

- Phương pháp tính lãi tiền vay;

- Loại phí và mức phí áp dụng đối với khoản vay.

Theo Khoản 4, Thông tư số 43/2016/TT-NHNN, công ty tài chính phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký. Công ty tài chính phải giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cụ thể hợp đồng cho vay tiêu dùng khi có yêu cầu của khách hàng.

Khoản 5 Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định trường hợp sử dụng hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung trong giao kết hợp đồng cho vay tiêu dùng, công ty tài chính phải thực hiện như sau:

- Niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cho vay tiêu dùng tại trụ sở, điểm giới thiệu dịch vụ và đăng tải trên trang thông tin điện tử của công ty tài chính.

- Cung cấp đầy đủ thông tin về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho khách hàng biết trước khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng và có xác nhận của khách hàng về việc đã được công ty tài chính cung cấp đầy đủ thông tin.     

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã quy định rõ về trách nhiệm của các công ty tài chính phải công khai, minh bạch hoạt động cho vay để bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Thông qua hoạt động thanh tra, giám sát, Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát công ty tài chính, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật.

Đối với những phản ánh cụ thể của người dân, Ngân hàng Nhà nước đề nghị cung cấp các hồ sơ liên quan để Ngân hàng Nhà nước kiểm tra và có phản hồi cụ thể nhằm bảo đảm lợi ích của phía khách hàng.

Chinhphu.vn