In bài viết

Quy định về thay đổi tên công dân

(Chinhphu.vn) - Bà Nguyễn Hương Dung là công dân Việt Nam hiện đang sinh sống và làm việc tại Vương quốc Anh. Do tính chất công việc nên bà sẽ ở nước ngoài lâu dài. Tuy nhiên, họ tên đăng ký khai sinh của bà đang dùng hiện nay thường bị viết sai chính tả, gây ảnh hưởng trong giao dịch hành chính.

06/11/2012 11:13

Bà Dung muốn được biết, bà có thể đổi tên khác được không, pháp luật quy định việc thay đổi họ tên đối với công dân Việt Nam đang định cư ở nước ngoài như thế nào?

Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của bà Dung như sau:

Tại điểm a, khoản 1 Điều 27 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ tên trong trường hợp việc sử dụng họ tên đang dùng gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của người đó.

Việc thay đổi họ, tên, chữ đệm đã được đăng ký đúng trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh nhưng cá nhân có yêu cầu thay đổi khi có lý do chính đáng theo quy định của Bộ luật Dân sự là một trong những việc thuộc phạm vi thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch được quy định tại Điều 36 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP.

Thủ tục thay đổi họ tên trong nước

Tại khoản 2, Điều 37 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP quy định: Ủy ban nhân dân cấp huyện, mà trong địa hạt của huyện đó đương sự đã đăng ký khai sinh trước đây, có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên và xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch cho mọi trường hợp, không phân biệt độ tuổi.

Theo  khoản 1 và khoản 2 Điều 38 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo khoản 10, Điều 1 Nghị định số 06/2012/NĐ-CP, thủ tục đăng ký việc thay đổi họ tên thực hiện như sau:

Người yêu cầu thay đổi họ tên phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định), xuất trình bản chính Giấy khai sinh của người cần thay đổi họ tên và các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi.

Người yêu cầu thay đổi họ tên có thể trực tiếp hoặc nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính. Trong trường hợp gửi qua hệ thống bưu chính, thì các giấy tờ có trong thành phần hồ sơ phải là bản sao có chứng thực; trường hợp trực tiếp thì nộp bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực.

Riêng đối với việc thay đổi họ tên cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, thì phải trực tiếp nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp, nơi có thẩm quyền giải quyết việc hộ tịch nêu trên.

Thủ tục tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

Theo Thông tư liên tịch số 11/2008/TTLT-BTP-BNG ngày 31/12/2008 của liên Bộ Tư pháp - Bộ Ngoại giao hướng dẫn thực hiện quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP thì các Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (gọi chung là Cơ quan đại diện Việt Nam) có thẩm quyền đăng ký việc thay đổi hộ tịch cho công dân Việt Nam đã đăng ký tại Cơ quan đại diện Việt Nam hoặc đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài và đã ghi chú vào sổ hộ tịch tại Cơ quan đại diện Việt Nam.

Tại khoản 7, Mục II Thông tư này quy định, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước mà công dân Việt Nam đã đăng ký hộ tịch trước đây thực hiện đăng ký việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch.

Phạm vi thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch được thực hiện theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP (trong đó có việc thay đổi họ, tên, chữ đệm đã được đăng ký đúng trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh nhưng cá nhân có yêu cầu thay đổi khi có lý do chính đáng theo quy định của Bộ luật Dân sự).

Trình tự, thủ tục đăng ký việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch được thực hiện tương tự như quy định tại Điều 38 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP.

Trường hợp bà Nguyễn Hương Dung công dân Việt Nam hiện đang sinh sống và làm việc tại Vương quốc Anh, do họ tên đăng ký khai sinh đang dùng hiện nay khi phát âm bằng tiếng nước ngoài gây nhầm lẫn ý nghĩa từ ngữ, ảnh hưởng đến danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của bà, bà có thể yêu cầu thay đổi họ tên. 

Nếu trước đây bà Dung được đăng ký khai sinh trong nước, thì bà phải trực tiếp nộp hồ sơ yêu cầu thay đổi họ tên tại Sở Tư pháp tỉnh, mà trong địa hạt tỉnh đó bà đã được đăng ký khai sinh. Hoặc bà có thể ủy quyền cho người khác, việc ủy quyền phải lập bằng văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật. Trong trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền, thì không cần phải có văn bản ủy quyền nhưng phải có trách nhiệm chứng minh mối quan hệ đó.

Nếu bà Dung đăng ký khai sinh tại Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài thì nộp 1 bộ hồ sơ yêu cầu thay đổi họ tên tại Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước đó. Thành phần hồ sơ gồm:

- Tờ khai đăng ký việc thay đổi hộ tịch (theo mẫu);

- Bản chính giấy khai sinh;

- Các giấy tờ liên quan để làm căn cứ thay đổi họ tên (bản sao các giấy tờ trong thành phần hồ sơ kèm theo bản chính để đối chiếu).

Theo quy định tại khoản 3, Điều 27 Bộ luật Dân sự thì việc thay đổi họ, tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ, tên cũ.

Luật sư Lê Văn Đài

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.