Theo phản ánh của ông Lê Lam (TPHCM), Khoản 1 Điều 157 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: "Chủ tịch Hội đồng quản trị được bầu trong cuộc họp đầu tiên của Hội đồng quản trị trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc bầu cử Hội đồng quản trị đó. Cuộc họp này do thành viên có số phiếu bầu cao nhất hoặc tỷ lệ phiếu bầu cao nhất triệu tập và chủ trì. Trường hợp có nhiều hơn một thành viên có số phiếu bầu hoặc tỷ lệ phiếu bầu cao nhất và ngang nhau thì các thành viên bầu theo nguyên tắc đa số để chọn 1 người trong số họ triệu tập họp Hội đồng quản trị".
Do một số vấn đề nhân sự và di chuyển, Công ty ông Lam đã bầu ra thành viên Hội đồng quản trị vào ngày 1/3/2021 nhưng không thể triệu tập cuộc họp Hội đồng quản trị để bầu ra chủ tịch trong vòng 7 ngày làm việc mà đến ngày 18/3/2021 cuộc họp của Hội đồng quản trị mới diễn ra.
Công ty ông vay vốn ngân hàng và hợp đồng này thuộc thẩm quyền Hội đồng quản trị thông qua. Nhưng phía ngân hàng cho rằng Chủ tịch Hội đồng quản trị được bầu tại cuộc họp ngày 18/3/2021 là không có hiệu lực.
Tuy nhiên, công ty ông không thấy nội dung nào tại Luật Doanh nghiệp quy định về việc nếu Chủ tịch bầu sau thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc bầu cử Hội đồng quản trị đó thì Chủ tịch này sẽ không được công nhận.
Ông Lam hỏi, nếu Chủ tịch bầu sau thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc bầu cử Hội đồng quản trị đó thì sẽ không được công nhận có đúng không?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Luật Doanh nghiệp năm 2020 không quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị được bầu sau thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc bầu cử Hội đồng quản trị thì sẽ không được công nhận là Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Việc bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị không đúng thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 157 Luật Doanh nghiệp năm 2020 là hành vi vi phạm hành chính, bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính tùy theo lĩnh vực quản lý Nhà nước có liên quan.