In bài viết

Quy định về thời hạn xử lý kỷ luật

(Chinhphu.vn) - Theo quy định tại Nghị định 34/2011/NĐ-CP, thời hạn xử lý kỷ luật tối đa là 2 tháng, kể từ ngày phát hiện công chức có hành vi vi phạm pháp luật cho đến ngày cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.

30/07/2013 09:11

Ảnh minh họa

Do sử dụng điện thoại trái quy định của cơ quan, ngày 29/8/2012, ông Nguyễn Đông Hà (donghapy@...) đã bị kỷ luật khiển trách. Căn cứ áp dụng quyết định kỷ luật là Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức. Nhưng đến nay ông Hà mới biết vào thời điểm cơ quan ra quyết định kỷ luật ông, Nghị định số 35/20005/NĐ-CP đã được thay thế bằng Nghị định số 34/2011/NĐ-CP. Ông Hà muốn biết, bây giờ ông có thể khiếu nại quyết định kỷ luật không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông Hà hỏi như sau:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực.

Ngày 17/5/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 5/7/2011, đồng thời bãi bỏ những quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức tại Nghị định số 35/2005/NĐ-CP.

Các hành vi bị xử lý kỷ luật, thời hạn xử lý kỷ luật, trường hợp bị kỷ luật khiển trách được quy định tại Điều 3, khoản 1 Điều 7, Điều 9 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP, cụ thể:

Các hành vi bị xử lý kỷ luật

- Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ, đạo đức và văn hóa giao tiếp của công chức trong thi hành công vụ; những việc công chức không được làm quy định tại Luật Cán bộ, công chức.

- Vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật.

- Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thời hạn xử lý kỷ luật tối đa là 2 tháng, kể từ ngày phát hiện công chức có hành vi vi phạm pháp luật cho đến ngày cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.

Các trường hợp bị kỷ luật khiển trách

Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với công chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

- Có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thi hành công vụ;

- Không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng;

- Gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;

- Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 3 đến dưới 5 ngày làm việc trong một tháng;

- Sử dụng tài sản công trái pháp luật;

- Xác nhận giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện;

- Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công tác.

Quy định về thời hạn xử lý kỷ luật

Do ông Nguyễn Đông Hà không nêu rõ thời điểm (ngày, tháng, năm) ông có hành vi bị cơ quan phát hiện và coi là vi phạm kỷ luật. Nội quy cơ quan quy định việc sử dụng điện thoại thuộc tài sản công, tài sản riêng trong cơ quan như thế nào là vi phạm kỷ luật? Do vậy đề nghị ông Hà đối chiếu với mỗi tình huống giả định tương ứng với hậu quả pháp lý sau đây:

- Trường hợp hành vi vi phạm kỷ luật xảy ra trước ngày Nghị định số 34/2011/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 5/7/2011) thì việc xem xét kỷ luật áp dụng quy định tại Nghị định số 35/2005/NĐ-CP.

Theo khoản 2, khoản 3 Điều 9 của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP, thời hiệu xử lý kỷ luật là 3 tháng, trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hiệu xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 6 tháng. Quá thời hiệu xử lý kỷ luật thì chấm dứt việc xem xét kỷ luật công chức.

Đối với hành vi xảy ra trước ngày 5/7/2011 mà đến ngày 29/8/2012, cơ quan mới ban hành quyết định kỷ luật là vi phạm quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật.

- Trường hợp hành vi vi phạm kỷ luật xảy ra kể từ ngày 5/7/2011 trở đi thì việc xem xét xử lý kỷ luật áp dụng quy định tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP.

Căn cứ khoản 1 Điều 7 của Nghị định này, thời hạn xử lý kỷ luật tối đa là 2 tháng, kể từ ngày phát hiện công chức có hành vi vi phạm pháp luật cho đến ngày cơ quan ra quyết định xử lý kỷ luật.

Nếu ông Hà bị phát hiện hành vi vi phạm trước ngày 29/6/2012 mà đến ngày 29/8/2012 cơ quan mới ra quyết định xử lý kỷ luật là vi phạm về thời hạn xử lý kỷ luật.

- Hành vi sử dụng điện thoại được coi là trái quy định của cơ quan phải là hành vi cấm thực hiện đã được ghi trong nội quy của cơ quan, chẳng hạn như: hành vi sử dụng điện thoại thuộc tài sản công vào việc riêng là vi phạm quy định về sử dụng tài sản công, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; hoặc hành vi sử dụng điện thoại thuộc tài sản cá nhân trong giờ làm việc tại cơ quan là vi phạm kỷ luật lao động… Nếu nội quy cơ quan có quy định những điều cấm đó mà công chức vi phạm thì bị xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP.

- Nếu quyết định kỷ luật được ban hành không đúng quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền xử lý kỷ luật, áp dụng hình thức xử lý kỷ luật tại văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực ở thời điểm xảy ra hành vi vi phạm, thì quyết định kỷ luật đó là trái pháp luật.

Quyền khiếu nại đối với quyết định kỷ luật

Theo quy định tại Điều 21 và khoản 7 Điều 23 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP, công chức bị xử lý kỷ luật có quyền khiếu nại đối với quyết định kỷ luật theo quy định của pháp luật về khiếu nại khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại kết luận việc xử lý kỷ luật công chức tiến hành không đúng quy định về áp dụng hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật thì người đứng đầu cơ quan đã ký quyết định kỷ luật phải ra quyết định hủy bỏ quyết định xử lý kỷ luật; đồng thời cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật phải tiến hành xem xét xử lý kỷ luật công chức theo đúng quy định tại Nghị định này.

Về thời hiệu khiếu nại, Điều 48 Luật Khiếu nại (có hiệu lực từ ngày 1/7/2012) quy định thời hiệu khiếu nại lần đầu đối với quyết định kỷ luật công chức là 15 ngày, kể từ ngày công chức nhận được quyết định kỷ luật.

Trường hợp ông Hà nhận được quyết định kỷ luật ngày 29/8/2012, đến nay ông chưa có khiếu nại gì, tại thời điểm này (tháng 7/2013) thời hiệu khiếu nại lần đầu đã hết, ông không còn quyền khiếu nại đối với quyết định kỷ luật này nữa.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Tin liên quan:

- Quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức

- Việc xử lý công chức vi phạm chính sách dân số

- Quy định việc kéo dài thời gian xét nâng bậc lương

- Thời gian tính nâng lương với cán bộ bị kỷ luật