In bài viết

Quy định về trả lương cho người lao động

(Chinhphu.vn) - Ông Hoàng Văn Hưng (thanhhung2002@...) ký hợp đồng lao động với 1 Công ty từ tháng 3/2011 đến tháng 3/2012. Trong hợp đồng lao động không ghi rõ tiền lương mà chỉ quy định mức lương chính, hình thức trả lương theo quy chế của Công ty, chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Nhà nước.

04/05/2012 14:51

Tháng 3/2012, ông Hưng hết hợp đồng lao động và không làm việc tại Công ty nữa nhưng vẫn chưa được thanh toán tiền lương và trả sổ bảo hiểm xã hội. Ông Hưng mốn được biết, như vậy, công ty có vi phạm quy định theo Bộ luật Lao động không? Nếu có ông Hưng phải làm gì?

Về vấn đề trên, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Tại các Điều 55,  Điều 56,  Điều 58 và Điều 59 Bộ luật Lao động quy định về tiền lương, mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương cho người lao động như sau:

Tiền lương của người lao động do hai bên thoả thuận trong hợp đồng lao động và được trả theo năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công việc. Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Mức lương tối thiểu được ấn định theo giá sinh hoạt, bảo đảm cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường bù đắp sức lao động giản đơn và một phần tích luỹ tái sản xuất sức lao động mở rộng và được dùng làm căn cứ để tính các mức lương cho các loại lao động khác.

Chính phủ quyết định và công bố mức lương tối thiểu chung, mức lương tối thiểu vùng, mức lương tối thiểu ngành cho từng thời kỳ sau khi lấy ý kiến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện của người sử dụng lao động.

Khi chỉ số giá sinh hoạt tăng lên làm cho tiền lương thực tế của người lao động bị giảm sút, thì Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu để bảo đảm tiền lương thực tế.

Hình thức trả lương

Người sử dụng lao động có quyền chọn các hình thức trả lương theo thời gian (giờ, ngày, tuần, tháng), theo sản phẩm, theo khoán nhưng phải duy trì hình thức trả lương đã chọn trong một thời gian nhất định và phải thông báo cho người lao động biết.

Người lao động hưởng lương giờ, ngày, tuần được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc ấy hoặc được trả gộp do hai bên thoả thuận, nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gộp một lần.

Người lao động hưởng lương tháng được trả lương cả tháng một lần hoặc nửa tháng một lần.

Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán, được trả lương theo thoả thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hàng tháng được tạm ứng lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

Phải trả lương đúng thời hạn

Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng thời hạn và tại nơi làm việc.

Trong trường hợp đặc biệt phải trả lương chậm, thì không được chậm quá một tháng và người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm trả lương.

Lương được trả bằng tiền mặt. Việc trả lương một phần bằng séc hoặc ngân phiếu do Nhà nước phát hành, do hai bên thoả thuận với điều kiện không gây thiệt hại, phiền hà cho người lao động.

Thanh toán quyền lợi khi chấm dứt hợp đồng lao động

Tại Điều 43 Bộ luật Lao động quy định: Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

Về việc ông Hoàng Văn Hưng phản ánh: Ông làm việc cho một công ty theo hợp đồng lao động có thời hạn 1 năm, từ tháng 3/2011 đến tháng 3/2012. Trong suốt thời gian ông làm việc theo hợp đồng, công ty vẫn chưa thanh toán tiền lương cho ông;  khi chấm dứt hợp đồng lao động ông Hưng chưa được Công ty thanh toán tiền lương, trả sổ bảo hiểm xã hội. Nếu sự việc đúng như ông Hưng trình bày thì công ty đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Bộ luật Lao động về tiền lương, hợp đồng lao động, trợ cấp thôi việc và bảo hiểm xã hội.

Theo quy định, trong vòng 7 ngày, kể từ ngày ông Hưng chấm dứt hợp đồng lao động Công ty phải thanh toán cho ông đầy đủ tiền lương còn thiếu cộng với lãi suất trên số tiền lương chậm trả hàng tháng. Cùng với đó, công ty phải trả ông khoản trợ cấp thôi việc đối với thời gian 1 năm làm việc tại công ty bằng ½  tháng lương và chốt sổ, trả sổ bảo hiểm xã hội cho ông.

Nếu ông Hưng đã yêu cầu mà công ty không thanh toán đầy đủ quyền lợi cho ông, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, theo quy định tại điểm b, khoản 2  Điều 166 Bộ luật Lao động; điểm b, điểm d, khoản 1, Điều 31  và điểm c, khoản 1 Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự, ông Hưng có quyền khởi kiện ra Tòa án cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở,  yêu cầu Tòa án buộc Công ty phải thực hiện nghĩa vụ và bồi thường thiệt hại cho ông.

Bên cạnh đó, nếu Công ty bị phát hiện hành vi không trả lương đầy đủ, đúng thời hạn cho người lao động; trả chậm lương nhưng không đền bù, thì theo quy định tại điểm a, khoản 2 và điểm c khoản 6, Điều 10 Nghị định 47/2010/NĐ-CP, Công ty có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và buộc phải trả lương cùng các chế độ khác cho người lao động.

Đối với hành vi không trả sổ bảo hiểm xã hội đúng thời hạn cho người lao động khi người lao động không còn làm việc, theo quy định tại Điều 17 Nghị định 86/2010/NĐ-CP thì Công ty sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng, khi vi phạm đối với mỗi người lao động và buộc phải trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.