In bài viết

Quy định về việc chuyển từ công chức sang viên chức

(Chinhphu.vn) – Ông Lê Khánh Hồng Phong (Khánh Hòa) đang công tác tại Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện. Vừa qua Chủ tịch UBND huyện ban hành quyết định điều động ông về Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện. Ông mới nhận lương tháng 5/2021 tại đơn vị mới với mức thấp hơn đơn vị cũ vì bị cắt 25% phụ cấp công vụ.

25/05/2021 11:02
Ông Phong trúng tuyển công chức vào năm 2003 thông qua thi tuyển. Trong 5 năm gần đây tại Phòng Tài nguyên và Môi trường, ông đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông Phong hỏi, việc điều động ông từ vị trí công chức sang viên chức có đúng không? Đơn vị mới cắt phụ cấp công vụ của ông có đúng quy định không?

Trước khi điều chuyển tổ ban hành quyết định điều động, không có cơ quan có thẩm quyền làm việc bằng văn ban với cá nhân ông; tổ quyết định chỉ trao đổi qua lời nói có đúng hay không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời ông Lê Khánh Hồng Phong như sau:

Điều động công chức là việc cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển công chức từ cơ quan, tổ chức, đơn vị này đến làm việc ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác. Việc điều động công chức phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức. Đồng thời, công chức được điều động còn phải đạt yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm mới.

Điều 26 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức (hiệu lực 1/12/2020), quy định việc điều động công chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

- Theo yêu cầu nhiệm vụ cụ thể;

- Theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức trong cơ quan, tổ chức và giữa các cơ quan, tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

- Chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của Đảng và pháp luật.

Thẩm quyền điều động công chức: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức được phân công, phân cấp quản lý công chức quyết định việc điều động công chức thuộc thẩm quyền quản lý hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật.

Trình tự, thủ tục điều động công chức: Căn cứ quy hoạch, nhu cầu công tác và năng lực, sở trường của công chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức được phân công, phân cấp quản lý công chức xây dựng kế hoạch, biện pháp điều động công chức thuộc phạm vi quản lý, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thực hiện; lập danh sách công chức cần điều động; biện pháp thực hiện cụ thể đối với từng trường hợp.

Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì thực hiện trình tự, thủ tục điều động như trường hợp bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý từ nguồn nhân sự nơi khác quy định tại Khoản 3 Điều 46 Nghị định này.

Trước khi quyết định điều động công chức, người đứng đầu cơ quan được phân công, phân cấp quản lý công chức cần gặp gỡ công chức nêu rõ mục đích, sự cần thiết của việc điều động để nghe công chức đề xuất ý kiến trước khi quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo Điểm b Khoản 1 Điều 58 Luật Viên chức 2010 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản 9 Điều 2 của Luật số 52/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (gọi tắt là Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019) có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2020 quy định, cán bộ, công chức được chuyển sang làm viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật này. 

Công chức khi chuyển sang viên chức sẽ được ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 25 Luật Viên chức 2010 được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 2 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức 2019.

Trường hợp ông Lê Khánh Hồng Phong phản ánh, ông thi tuyển, trúng tuyển, được bổ nhiệm công chức công tác tại Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện từ năm 2003. Trong 5 năm gần đây công tác tại cơ quan Phòng Tài nguyên và Môi trường ông đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vừa qua, Chủ tịch UBND huyện ban hành quyết định điều động ông đến làm việc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện. Khi nhận lương tháng 5/2021 tại đơn vị mới ông bị cắt 25% phụ cấp công vụ.

Ông Phong hỏi, việc điều động ông từ vị trí công chức sang viên chức có đúng quy định không? Người ra quyết định điều động công chức này có đúng thẩm quyền không? Trước khi điều động, ông không nhận được văn bản nào của cấp có thẩm quyền trao đổi về việc điều động, tổ ban hành quyết định điều động chỉ trao đổi qua lời nói có đúng quy định không? Đơn vị mới cắt phụ cấp công vụ của ông có đúng quy định không?

Nếu sự việc đúng như ông Phong phản ánh, thì trước khi quyết định điều động công chức, người (tổ) được phân cấp quản lý công chức đã gặp gỡ ông, trao đổi trực tiếp qua lời nói, nêu rõ mục đích, sự cần thiết của việc điều động, nghe ông đề xuất ý kiến trước khi quyết định theo thẩm quyền. Việc điều động ông từ vị trí việc làm là công chức chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện sang vị trí viên chức Trung tâm Phát triển quỹ đất và Môi trường huyện, thẩm quyền ban hành quyết định, trình tự thủ tục phù hợp với quy định tại Điều 26 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng  và quản lý công chức.

Việc điều động ông Phong từ vị trí việc làm của công chức tại cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện sang vị trí việc làm của viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND huyện là căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của ông Phong, phù hợp với yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm mới tại đơn vị sự nghiệp công lập.

Về phụ cấp công vụ, theo Khoản 4 Điều 11 Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/1/2010 của Chính phủ (còn hiệu lực) quy định những người là công chức, thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách Nhà nước cấp kinh phí hoạt động thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện mới được xác định là công chức. Trường hợp ông Phong được điều động đến làm việc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện với địa vị viên chức, không giữ chức vụ người đứng đầu đơn vị, nên không được xác định là công chức.

Căn cứ  Điều 2 Nghị định số 34/2012/NĐ-CP ngày 15/4/2012 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp công vụ (còn hiệu lực) thì viên chức, công chức tại đơn vị sự nghiệp công lập (quy định tại Điều 11 Nghị định số 06/2010/NĐ-CP) không thuộc đối tượng áp dụng chế độ phụ cấp công vụ.

Theo Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 34/2012/NĐ-CP, khi thôi làm việc ở địa vị công chức trong cơ quan Nhà nước thì thôi hưởng phụ cấp công vụ từ tháng tiếp theo. Đơn vị mới cắt 25% phụ cấp công vụ đối với ông Phong là đúng quy định.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.