In bài viết

Quy định về xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (chương trình công tác).

21/09/2023 16:21
Quy định về xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023 - Ảnh: VGP

Dự thảo nêu rõ, Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định tại khoản 1 Điều 18 Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18/6/2023 của Chính phủ, gồm có: Chương trình công tác năm, quý, tháng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ; chương trình công tác tuần của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Nội dung của chương trình công tác

Theo dự thảo, chương trình công tác năm gồm các đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ trong năm, nêu rõ những nội dung sau: 1- Bộ, cơ quan, địa phương chủ trì, tên đề án, cấp trình, thời hạn trình xác định theo từng tháng; tên Vụ, đơn vị chuyên môn thuộc Văn phòng Chính phủ được phân công theo dõi đề án; 2- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ được phân công phụ trách; 3- Nội dung trình tại phiên họp Chính phủ trong năm.

Chương trình công tác quý gồm các đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng trong quý, nêu rõ những nội dung sau: 1- Bộ, cơ quan, địa phương chủ trì, tên đề án, cấp trình, thời hạn trình xác định theo từng tháng; tên chuyên viên và Vụ, đơn vị chuyên môn thuộc Văn phòng Chính phủ được phân công theo dõi đề án; 2- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ được phân công phụ trách; 3- Chương trình phiên họp Chính phủ trong quý, gồm các nội dung trình bày và thảo luận tại phiên họp, nội dung gửi tài liệu không trình bày.

Chương trình công tác tháng gồm các đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng trong tháng, nêu rõ những nội dung sau: 1- Bộ, cơ quan, địa phương chủ trì, tên đề án, cấp trình; tên chuyên viên và Vụ, đơn vị chuyên môn thuộc Văn phòng Chính phủ được phân công theo dõi đề án; 2- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ được phân công phụ trách; 3- Chương trình phiên họp Chính phủ trong tháng, gồm các nội dung trình bày và thảo luận tại phiên họp, nội dung gửi tài liệu không trình bày.

Chương trình công tác tuần là lịch hoạt động của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ được xác định theo từng ngày trong tuần.

Căn cứ xây dựng chương trình công tác

Theo dự thảo, chương trình công tác năm, quý, tháng được xây dựng trên cơ sở:

1- Chương trình làm việc, chỉ đạo, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ;

2- Luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

3- Đề xuất của các bộ, cơ quan, địa phương được Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ chấp thuận;

Chương trình công tác tuần được xây dựng trên cơ sở chương trình công tác tháng và yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Ban hành chương trình công tác

Dự thảo nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình công tác năm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sau khi được Thủ tướng Chính phủ thông qua.

Văn phòng Chính phủ ban hành chương trình công tác quý, tháng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chương trình công tác tuần của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ sau khi đã cập nhật bổ sung, điều chỉnh các đề án, kế hoạch công tác tuần theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ;

Thời hạn trình đề án trong chương trình công tác tháng

Theo dự thảo, căn cứ thời hạn trình quy định theo tháng, trường hợp đặc biệt có thể quy định cụ thể thời hạn trình theo ngày tại chương trình công tác; các bộ, cơ quan, địa phương chủ trì đề án phải trình trước ngày 20 của tháng, trừ trường hợp có chỉ đạo khác của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

Các đề án trình sau thời hạn quy định trên được coi là chậm trình so với tiến độ theo quy định của chương trình công tác; đến hết ngày cuối cùng của tháng mà các đề án chưa trình thì được xác định là nợ đọng và cơ quan chủ trì đề án được xác định là không hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ đối với đề án này.

Nguyên tắc xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình công tác

Dự thảo nêu rõ, đề án đưa vào chương trình công tác năm, quý, tháng là các đề án thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc xem xét thông qua để trình cấp có thẩm quyền.

Việc xây dựng và thực hiện chương trình công tác phải bảo đảm kịp thời, đầy đủ, đúng thẩm quyền; tuân thủ đúng quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, Quy chế làm việc của Chính phủ và các quy định pháp luật khác có liên quan; các đề án không được trùng lắp, mâu thuẫn, thiếu tính khả thi, hiệu quả.

Các đề án không có trong chương trình công tác và không được Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ hoặc cấp thẩm quyền giao nhiệm vụ thì không đủ điều kiện trình xem xét, phê duyệt.

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quá trình xây dựng, quản lý, thực hiện chương trình công tác và gắn kết chặt chẽ với công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn