Bộ Xây dựng ban hành quy định về xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ
Theo Thông tư, đối với xe tải thùng hở có mui, chiều cao xếp hàng hóa cho phép là chiều cao giới hạn trong phạm vi thùng xe theo thiết kế được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe.
Đối với xe tải thùng hở không mui, hàng hóa xếp trên xe vượt quá chiều cao của thùng xe theo thiết kế được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe phải được chằng buộc, kê, chèn chắc chắn đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ. Chiều cao xếp hàng hóa cho phép không vượt quá chiều cao quy định dưới đây, tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên:
Xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở theo thiết kế từ 5 tấn trở lên được ghi trong trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe: chiều cao xếp hàng hóa không quá 4,2 m.
Xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở theo thiết kế từ 2,5 tấn đến dưới 5 tấn được ghi trong trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe: chiều cao xếp hàng hóa không quá 3,5 m.
Xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở theo thiết kế dưới 2,5 tấn được ghi trong trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe: chiều cao xếp hàng hóa không quá 2,8 m.
Xe chở container: chiều cao xếp hàng hóa tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên không quá 4,35 m.
Thông tư nêu rõ, khi vận chuyển hàng rời, vật liệu xây dựng, phế thải: chiều cao xếp hàng hóa thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 49 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đối với xe mô tô, xe gắn máy, chiều cao xếp hàng hóa thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 33 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo Thông tư, chiều rộng xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là chiều rộng của thùng xe theo thiết kế được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe.
Chiều dài xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không được lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe theo thiết kế được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe và không được lớn hơn 20,0 m. Trường hợp sử dụng thiết bị có hình dạng như container (không phải container) để chứa hàng, khi xếp thiết bị này lên rơ moóc, sơ mi rơ moóc không được vượt quá chiều dài theo thiết kế (được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường) của rơ moóc, sơ mi rơ moóc.
Xe ô tô chở người không được phép xếp hàng hóa, hành lý nhô ra quá kích thước bao ngoài của xe và không được xếp hàng hóa, hành lý trên nóc xe (trừ trường hợp có thiết kế được cơ quan đăng kiểm chứng nhận) để đảm bảo an toàn giao thông.
Xe mô tô, xe gắn máy: chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 33 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Xe thô sơ: chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 31 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Thông tư nêu rõ, khi vận chuyển hàng rời, vật liệu xây dựng phải thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 49 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Việc xếp hàng rời và che đậy hàng rời được hướng dẫn tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này.
Theo Thông tư, các kiện hàng có khối lượng nặng hơn, có bao gói cứng, ổn định được xếp ở phía dưới. Các kiện hàng có kích thước giống nhau sắp xếp cùng nhau. Các kiện hàng bị nghiêng, lệch được xếp vào giữa để đảm bảo hạn chế xô lệch trong quá trình vận chuyển.
Trường hợp giữa các kiện hàng có khoảng cách, phải dùng các thiết bị, dụng cụ chèn, lót để chống va chạm, xê dịch trong quá trình vận chuyển. Trường hợp sau khi xếp hàng xong mà vẫn có khoảng trống trong thùng của xe thì phải sử dụng các thiết bị, dụng cụ chèn, lót để cố định hàng hóa.
Hàng dạng trụ được xếp nằm ngang hoặc nằm dọc theo chiều dài phương tiện tùy thuộc vào chiều dài của hàng so với thùng của phương tiện. Khi đặt nằm ngang phải đặt vuông góc với chiều dài phương tiện.
Hàng dạng trụ có chiều cao nhỏ hơn hoặc bằng đường kính thì phải được đặt thẳng đứng sao cho trục hàng dạng trụ vuông góc với mặt đáy thùng phương tiện hoặc thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Hàng dạng trụ phải được chằng buộc chắc chắn vào thành của phương tiện và phải sử dụng thùng hàng chuyên dụng hoặc sử dụng giá kê, giá đỡ có các thiết bị chêm, đế chêm hoặc máng, thiết bị chèn, lót, chằng buộc để cố định trên sàn thùng xe, đảm bảo chắc chắn, tránh dịch chuyển hàng hóa theo phương ngang, phương dọc và phương thẳng đứng trong quá trình vận chuyển.
Hàng dạng trụ có bề mặt trơn nhẵn, khi xếp chồng lên nhau phải sử dụng vật liệu đệm lót giữa các lớp hàng để chống trơn trượt. Việc xếp và cố định hàng dạng trụ được hướng dẫn tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Thông tư này.
Theo Thông tư, việc xếp hàng vào container phải đảm bảo các yêu cầu sau: Container phù hợp với loại hàng hóa và đặc tính của hàng hóa; chèn, lót để hàng hóa trong container không bị xê dịch trong quá trình vận chuyển; khối lượng sử dụng lớn nhất và hàng hóa xếp trong container thực hiện theo quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7553:2005 (ISO 668:1995) về container vận chuyển loại 1 - Phân loại, kích thước và khối lượng danh định; việc xếp hàng vào container được hướng dẫn tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư này.
Khi vận chuyển container phải sử dụng tổ hợp xe ô tô đầu kéo với rơ moóc, sơ mi rơ moóc hoặc xe ô tô tải vận chuyển container phù hợp với loại container.
Container được thiết kế và sản xuất theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kiểm tra và chế tạo container vận chuyển trên các phương tiện vận tải. Container phải được cố định chắc chắn với phương tiện vận chuyển thông qua các cơ cấu khóa hãm đảm bảo không bị xê dịch trong quá trình vận chuyển.
Tuệ Văn