In bài viết

Quy định xếp lương ngạch văn thư như thế nào là phù hợp?

(Chinhphu.vn) – Nhân viên văn thư nên được xếp lương theo đúng trình độ đào tạo; cần thêm hướng dẫn việc xếp lương cho viên chức văn thư; bổ sung đối tượng người làm công tác văn thư cấp xã… là một số góp ý cho Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành văn thư đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến rộng rãi.

04/05/2019 10:20

Xếp lương theo đúng trình độ đào tạo

Theo ông Nguyễn Ngọc (Cần Thơ) tham khảo Dự thảo thì Khoản 2, Điều 1 Thông tư này áp dụng đối với công chức, viên chức chuyên ngành văn thư làm việc trong các bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương cấp tỉnh, cấp huyện. Khoản 2, Điều 2 công chức được tuyển dụng vào vị trí việc làm có yêu cầu ngạch công chức, viên chức tương ứng là ngạch văn thư trung cấp nhưng có trình độ cao đẳng trở lên thì chỉ được bổ nhiệm vào ngạch văn thư trung cấp, tăng thêm tương ứng 1 bậc đối với công chức, viên chức có trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ tương ứng áp dụng hệ số lương của công chức loại B.

Ông Ngọc đề nghị cơ quan chức năng quan tâm hơn đến đời sống của cán bộ làm công tác văn thư, lưu trữ. Người làm công tác văn thư cũng rất vất vả, trách nhiệm cao và phải kiêm nhiệm nhiều việc nhưng lại không được đối xử công bằng như những đồng nghiệp có cùng trình độ khác. Hiện nay một số nơi văn thư lưu trữ hệ số lương khởi điểm vẫn là 1,35 mã ngạch 01.008.

Còn theo bà Phan Hương Huệ (Thái Nguyên), việc xếp lương cho nhân viên văn thư lưu trữ nên thực hiện xếp lương theo trình độ: Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp để đỡ thiệt thòi cho những người làm công tác văn thư.

Những người làm công tác văn thư cũng có các loại văn bằng chứng chỉ theo đúng chuẩn; giờ làm việc cũng đủ 8 tiếng; phải lao động trí óc, phải đi lại rất nhiều, khối lượng công việc cũng ngày càng tăng, nhưng tiền công lại quá thấp.

Hơn nữa, hiện nay việc trả phụ cấp độc hại đối với nhân viên văn thư chưa được thực hiện đồng đều giữa các tỉnh. Do vậy, bà Huệ đề nghị Bộ Nội vụ có thêm văn bản hướng dẫn về việc hưởng phụ cấp độc hại đối với nhân viên văn thư để để nhân viên văn thư được hưởng lợi theo đúng quy định

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hiền (TPHCM), bà Nguyễn Thị Thùy Anh,  bà Nguyễn Thị Ánh Linh (Bình Thuận) đều cho rằng nên xếp lương văn thư giống như Nghị định 204/2004/NĐ-CP theo văn bằng học: Trung cấp là 1,86; Cao đẳng 2,1; Đại học 2,34. Trường hợp học trái văn bằng theo quy định (có chứng chỉ phù hợp với vị trí việc làm) thì nên có quy định xếp lương thấp hơn 1 bậc so với người học chuyên ngành phù hợp. Có như vậy mới không xảy ra nhiều trường hợp học một đằng mà làm một nẻo, người học đúng chuyên ngành vị trí việc làm lại cũng như người chỉ học chứng chỉ...

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Thùy Anh đề nghị Bộ Nội vụ tính thêm phụ cấp trách nhiệm và phụ cấp độc hại của cán bộ làm công tác văn thư, lưu trữ vào Thông tư hướng dẫn việc xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành văn thư vì nếu để như hiện tại rất nhiều các đơn vị không chi trả tiền phụ cấp cho Văn thư theo Thông tư 07/2005/TT-BNV ngày 5/1/2005 và Công văn 2939/BNV-TL. Như vậy là rất thiệt thòi cho cán bộ làm công tác văn thư, lưu trữ. Công việc văn thư, lưu trữ nhiều áp lực, rất vất vả nhưng lại bị xem nhẹ.

Theo ông Quản Lộ (Bình Định), đối với công chức ngành văn thư vẫn xếp theo ngạch công chức theo như quy định hiện nay, ngoài ra thêm phụ cấp ngành văn thư là 0,2 hệ số lương trách nhiệm.

Ông Thạch Hoanh (Sóc Trăng) góp ý, ngạch văn thư có bằng Trung cấp chuyên nghiệp văn thư nên xếp lương khởi điểm của bậc 1 là 1,86 cho bằng với các ngành khác, thay vì 1,35 như hiện tại.

Bổ sung hướng dẫn xếp lương cho viên chức văn thư

Ông Lương Hùng Vương (TPHCM) đề xuất bổ sung hướng dẫn xếp lương cho đối tượng là viên chức làm công tác văn thư. Nếu là viên chức văn thư thì nên áp dụng mức xếp lương cho phù hợp hơn như sau: Trung cấp 02.008, lương bậc 1: 1,86; Cao đẳng 02a.007, lương bậc 1: 2,1 (theo Thông tư số 80/2005/TT-BNV). Đại học 02.007, lương bậc 1: 2,34. Nếu hiện tại đã học nâng chuẩn thì chuyển xếp lương theo Thông tư số 02/2007/TT-BNV, không cần thi nâng ngạch

Bà Thu Nhung (Hải Dương) cho rằng cần có hướng dẫn trường hợp nếu cán bộ văn thư đã được xếp lương A0 thì xếp ngạch cán sự mới. Theo Luật Viên chức, có 4 hạng viên chức. Văn thư nên áp dụng 4 hạng viên chức và hạng 3 áp dụng cho văn thư cao đẳng.

Bà Nguyễn Thị Kim Thu (TPHCM) đề nghị cần áp dụng thêm đối với viên chức của các đơn vị sự nghiệp công lập. Vì theo Khoản 2, Điều 8 Thông tư số 14/2014/TT-BNV thì các đơn vị sự nghiệp được áp dụng các quy định tại Thông tư này để tuyển dụng, sử dụng và quản lý người làm công tác văn thư. Vậy nếu đã áp dụng Thông tư số 14/2014/TT-BNV để bổ nhiệm ngạch cho viên chức văn thư mà giờ không có hướng dẫn xếp lương thì khó thực hiện và bất cập, gây khó khăn cho người làm công tác văn thư tại các đơn vị sự nghiệp.

Về Khoản 2, Điều 2 Dự thảo, bà góp ý, trường hợp công chức được tuyển dụng vào vị trí việc làm không yêu cầu ngạch công chức tương ứng là ngạch văn thư trung cấp nhưng có bằng cao đẳng thì bổ nhiệm vào ngạch văn thư trung cấp với hệ số là bậc 2 (vì hiện tại đào tạo đúng chuyên ngành văn thư, lưu trữ chỉ ở mức Cao đẳng, chưa có hệ Đại học).

Đối với việc chuyển ngạch, xếp lương, hiện nay, một số đơn vị sự nghiệp công lập đã áp dụng Thông tư số 14/2014/TT-BNV để bổ nhiệm ngạch cho viên chức văn thư vào mã số 02.008. Vậy khi văn thư có đầy đủ tiêu chuẩn của ngạch cao hơn thì việc chuyển ngạch, nâng ngạch được thực hiện như thế nào và xếp lương ra sao? Bà Thu đề nghị Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến đóng góp nêu trên và xây dựng Thông tư hướng dẫn xếp lương đối với ngạch công chức văn thư phù hợp, cụ thể, rõ ràng và bảo đảm quyền lợi cho người làm văn thư.

Còn ông Nguyễn Đình Hiển thì đề nghị tại Điều 1 bổ sung cán bộ phụ trách văn thư của UBND cấp xã, vì đây là cán bộ đầu mối của UBND cấp xã, thực hiện tiếp nhận văn bản của cơ quan. Mỗi năm tiếp nhận, xử lý văn bản đi đến từ 7.000 văn bản trở lên. Ngoài ra còn thêm công tác lưu trữ, chỉnh lý tài liệu.

Thúy An