Ảnh minh họa |
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Năm Căn, tỉnh Cà Mau đến năm 2030.
Phạm vi nghiên cứu quy hoạch chung Khu kinh tế Năm Căn nằm dọc theo hành lang trục Quốc lộ 1, thuộc địa bàn huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, bao gồm thị trấn Năm Căn, xã Hàm Rồng, xã Hàng Vịnh và ấp Ông Do của xã Đất Mới. Diện tích tự nhiên là 10.801,95 ha.
Theo quy hoạch, Khu kinh tế Năm Căn là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm khu phi thuế quan (công nghiệp-thương mại-dịch vụ) và khu thuế quan (đô thị, nuôi trồng thủy sản kỹ thuật cao, dịch vụ du lịch sinh thái và các trung tâm tiếp vận của vùng tỉnh Cà Mau).
Đồng thời, là đầu mối giao thương quốc tế của tỉnh Cà Mau và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là động lực phát triển kinh tế của tiểu vùng phía Nam tỉnh Cà Mau với trọng tâm phát triển công nghiệp cơ khí, đóng mới tàu biển và dịch vụ tài chính, viễn thông; trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái đặc trưng rừng ngập mặn; trung tâm công nghiệp, thương mại-dịch vụ và nuôi trồng, chế biến thủy sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia.
Mục tiêu của quy hoạch là xây dựng và phát triển Khu kinh tế Năm Căn với các ngành chủ chốt là công nghiệp cơ khí, đóng mới sửa chữa tàu biển, lắp ráp máy, điện tử, công nghiệp chế biến hàng thủy sản xuất khẩu, công nghiệp và dịch vụ dầu khí, may mặc, vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng cùng các ngành công nghiệp bổ trợ khác. Phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn ven biển và du lịch biển đảo, kinh tế cảng, khu phi thuế quan gắn với cảng và khu dân cư đô thị.
Theo quy hoạch, dự báo đến năm 2020, quy mô dân số toàn Khu kinh tế khoảng 45.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 28.000 người; dự báo đến năm 2030 quy mô dân số khoảng 90.000 người; dân số đô thị khoảng 80.000 người (Hiện dân số khu này khoảng 34.500 người).
Mô hình chuỗi các đô thị
Theo quy hoạch, Khu kinh tế Năm Căn phát triển theo mô hình chuỗi các đô thị và khu phi thuế quan theo các trục hành lang kinh tế đường thuỷ là sông Cửa Lớn, kênh xáng Cái Nai và các tuyến đường bộ là Quốc lộ 1A, đê biển Đông, đê biển Tây.
Trong đó, chuỗi các đô thị bao gồm đô thị Năm Căn, đô thị chuyên ngành kinh tế Hàm Rồng và đô thị Đất Mới liên kết với nhau theo trục Quốc lộ 1A. Khu phi thuế quan, gồm các khu quản lý nhà nước, khu thương mại dịch vụ và công nghiệp gắn với Quốc lộ 1A và sông Cửa Lớn. Các điểm dân cư nông thôn tập trung bao gồm các trung tâm xã, các cụm tuyến dân cư nông thôn được phân bố theo các tuyến giao thông bộ và giao thông thủy. Các vùng nông nghiệp, cảnh quan, không gian mở bao gồm các vùng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, nuôi trồng thuỷ sản kết hợp trồng rừng, không gian phát triển du lịch sinh thái và dịch vụ du lịch, không gian cây xanh cảnh quan và mạng lưới sông rạch.
Cấu trúc lưu thông Khu kinh tế Năm Căn bao gồm các trục giao thông đường bộ: Tuyến đường xuyên Á, Quốc lộ 1A đồng thời là đường Hồ Chí Minh đi Đất Mũi, tuyến đê biển Đông, đê biển Tây; các tuyến đường tỉnh ĐT.988B, ĐT.988C và các trục giao thông thủy như sông Cửa Lớn, sông Bảy Háp, kênh xáng Cái Nai, kênh Cái Ngay và các tuyến kênh dọc.
Thanh Hoài