Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch), ông Koos Neefjes, chuyên gia quốc tế về biến đổi khí hậu, Giám đốc Công ty Ý thức khí hậu (Climate Sense Co.Ltd) cho rằng việc Chính phủ Việt Nam công bố Quy hoạch là vô cùng quan trọng. Đây là Quy hoạch tổng thể vùng đầu tiên của Việt Nam và cũng là Quy hoạch tổng thể vùng đầu tiên được duyệt theo Luật Quy hoạch.
Điều quan trọng đối với người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và với đất nước Việt Nam nói chung là những nội dung của Quy hoạch sẽ được triển khai như thế nào sau khi được công bố. Vì vậy, theo ông Koos Neefjes sự kiện công bố Quy hoạch đóng vai trò rất quan trọng, trước hết là để giải tỏa những điểm nghẽn nhằm đẩy mạnh phát triển vùng trong thời gian tới.
Theo ông Koos Neefjes, bản Quy hoạch có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Theo vị chuyên gia, cần phải đặt vấn đề đâu là khía cạnh quan trọng nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đối với cả nước. Ông Koos Neefjes cho rằng trước hết đó là vấn đề an ninh lương thực, xuất khẩu lương thực. Đây cũng là hai yếu tố quan trọng nhất mà vùng Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp cho Việt Nam cũng như cho thế giới. Quy hoạch tổng thể này sẽ hỗ trợ để thực hiện hai yếu tố nói trên.
Thứ hai, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là sự thay đổi dòng chảy của các con sông từ các nước khác vào Việt Nam. Điều đó phần nào ảnh hưởng đến dòng nước chảy vào Việt Nam, làm thay đổi cả khối lượng và chất lượng nước. Bên cạnh đó, Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang dần bị sụt lún do ảnh hưởng từ mạng lưới những công trình xây dựng đập ở thượng nguồn, những công trình khai thác nước… gây nên.
Do đó, Quy hoạch sẽ bảo đảm ứng phó với những thách thức từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, sụt lún đất đai… nhằm đáp ứng tốt nhất những vấn đề đó để các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững trong thời gian tới. Nói cách khác, Quy hoạch xây dựng thích ứng với thực tế và những thách thức mới ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Như vậy, trọng tâm của Quy hoạch lần này chính là giảm thiểu rủi ro, nắm bắt cơ hội mới.
Cũng theo ông Koos Neefjes, bước đột phá lớn của Quy hoạch tổng thể này vẫn dựa trên nền tảng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là nông nghiệp.
Ông Koos Neefjes cho rằng để khắc phục những điểm yếu về thương mại và công nghiệp chế biến cần xây dựng các Trung tâm Đổi mới sáng tạo-HUB. Trọng tâm của HUB chính là chế biến nông sản, cung cấp dịch vụ vận tải logistic… Các trung tâm này không chỉ phục vụ một tỉnh riêng lẻ nào mà phục vụ cả một vùng rộng lớn, bao gồm cả trung tâm đầu mối lớn nhất của vùng là thành phố Cần Thơ.
Các HUB cần chuyên về cây lúa, về một số loại trái cây hay về những lĩnh vực nông nghiệp nhất định. Bằng cách xây dựng các trung tâm này, hy vọng cơ sở hạ tầng vận tải của vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được cải thiện và sẽ tập trung hỗ trợ dịch vụ để phát triển nông nghiệp theo định hướng mà Quy hoạch đã đặt ra.
Các trung tâm này là sự kết hợp của ngành dịch vụ và các ngành công nghiệp khác như tài chính, dịch vụ xã hội, nông nghiệp chế biến... Vì vậy, bước đột phá chính là HUB để tạo ra một tương lai thịnh vượng và đầy hy vọng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đánh giá về những nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành trong việc xây dựng Quy hoạch, ông Koos Neefjes nhấn mạnh rằng nỗ lực của Chính phủ trong xây dựng bản Quy hoạch là rất lớn. Ngoài ra còn có sự chung tay nỗ lực tham gia của các bộ, ngành, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương, người dân của 13 tỉnh, thành phố và có sự đóng góp của rất nhiều doanh nghiệp cũng như các tổ chức xã hội.
Quá trình xây dựng Quy hoạch còn tham khảo ý kiến từ các trường đại học, các tổ chức, đoàn thể… Đó đều là những đóng góp lớn lao và ấn tượng.
"Đây là Quy hoạch vùng đầu tiên ở Việt Nam nên sẽ có những điểm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, có những điểm mới làm lần đầu tiên, vì vậy có nội dung cần ưu tiên làm trước và những nội dung làm sau. Do đó, việc triển khai Quy hoạch như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất cũng là vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng", ông Koos Neefjes nói.
Theo ông Koos Neefjes, rất khó để so sánh giữa một quốc gia này với quốc gia khác cũng như giữa Việt Nam và Hà Lan, mặc dù vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng có những điểm tương đồng với Hà Lan. Hà Lan và vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều là những vùng đồng bằng dễ bị tổn thương khi chịu tác động của biến đổi khí hậu cũng như phải đối mặt với nhiều thách thức khác.
Tuy nhiên, ông Koos Neefjes cho rằng vùng Đồng bằng sông Cửu Long có điểm thuận lợi lớn là gần bến cảng lớn nhất và trung tâm kinh tế lớn nhất nước là TPHMC, gần tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu - cửa ngõ hướng ra Biển Đông.
"Chúng tôi đã cố gắng chia sẻ những kinh nghiệm mà Hà Lan có được và đã áp dụng vào việc xây dựng Quy hoạch. Hà Lan đã hợp tác với Việt Nam về lập Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long ít nhất 30 năm qua, kể từ đầu những năm 1990. Chúng tôi đã làm việc với các nhà khoa học Việt Nam về phân tích dòng chảy của sông, phân tích mực nước biển… Rất nhiều công trình nghiên cứu đã được thực hiện với sự hỗ trợ của hầu hết các nhà khoa học Việt Nam", ông Koos Neefjes chia sẻ.
Ông Koos Neefjes cho biết những phương thức để quản lý rủi ro, xói mòn do nguyên nhân từ tầng ozon hoặc xói mòn bờ sông… như ở Hà Lan đã được các nhà khoa học Việt Nam sang Hà Lan nghiên cứu áp dụng. Vì vậy, chúng ta có thể thấy có rất nhiều sự tương đồng. Sự tương đồng nữa ở đây chính là Trung tâm Đổi mới sáng tạo. Việt Nam đang học hỏi từ các nước phát triển hơn nhưng chính những kinh nghiệm của Việt Nam cũng đang được các nước khác nghiên cứu, học hỏi.
Diệp Anh