In bài viết

Quy hoạch điện VIII tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các dự án truyền tải

(Chinhphu.vn) - Việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII sau 2 năm rà soát sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai các dự án truyền tải điện để giúp giải toả công suất cho các dự án điện tái tạo khu vực miền Trung và miền Nam, cũng như các tuyến đường dây 500 kV giúp cân đối cung cầu giữa 3 miền Bắc - Trung – Nam.

16/05/2023 15:58
Định hướng phát triển lưới điện truyền tải có dự phòng lâu dài trong Quy hoạch điện VIII - Ảnh 1.

Quy hoạch điện VIII nêu rõ, phát triển hệ thống truyền tải điện đồng bộ với tiến độ các nguồn điện, nhu cầu phát triển phụ tải của các địa phương, sử dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, sẵn sàng kết nối khu vực - Ảnh: EVN

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 500/QĐ-TTg, đã đề cập kỹ lưỡng về phương án phát triển lưới điện.

Phát triển lưới điện truyền tải điện có dự phòng lâu dài

Cụ thể, Quy hoạch điện VIII nêu rõ, phát triển hệ thống truyền tải điện đồng bộ với tiến độ các nguồn điện, nhu cầu phát triển phụ tải của các địa phương, sử dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, sẵn sàng kết nối khu vực. Phát triển lưới điện thông minh để tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo ở quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định và kinh tế.

Theo đó, phát triển lưới điện truyền tải 500 kV và 220 kV bảo đảm khả năng giải tỏa công suất các nhà máy điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng.

Đặc biệt, phát triển lưới điện truyền tải điện có dự phòng lâu dài, tăng cường sử dụng cột nhiều mạch, nhiều cấp điện áp đi chung để giảm diện tích chiếm đất. Khuyến khích xây dựng các trạm biến áp truyền tải kết hợp cung cấp điện cho phụ tải lân cận. 

Quy hoạch điện VIII nhấn mạnh, lưới điện truyền tải 500 kV giữ vai trò xương sống trong liên kết các hệ thống điện vùng miền và trao đổi điện năng với các nước trong khu vực. Giới hạn truyền tải liên miền ở mức hợp lý, giảm truyền tải điện đi xa, hạn chế tối đa xây dựng mới các đường dây truyền tải liên miền trước năm 2030.

Xây dựng lưới điện 220 kV bảo đảm độ tin cậy, các trạm biến áp trong khu vực có mật độ phụ tải cao thiết kế theo sơ đồ đảm bảo vận hành linh hoạt. Xây dựng các trạm biến áp 220 kV đủ điều kiện vận hành tự động không người trực. Đẩy mạnh xây dựng các trạm biến áp GIS, trạm biến áp 220/22 kV, trạm ngầm tại các trung tâm phụ tải.

Bên cạnh đó, nghiên cứu ứng dụng hệ thống Back-to-Back, thiết bị truyền tải điện linh hoạt để nâng cao khả năng truyền tải, giảm thiểu diện tích chiếm đất. Tổ chức nghiên cứu công nghệ truyền tải điện xoay chiều và một chiều điện áp trên 500 kV.

Định hướng sau 2030 sẽ phát triển các đường dây truyền tải siêu cao áp một chiều kết nối khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Bắc Bộ để khai thác mạnh tiềm năng điện gió ngoài khơi. Nghiên cứu các kết nối xuyên châu Á - Thái Bình Dương.

Ngoài ra, các dự án lưới điện truyền tải trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh chưa đưa vào vận hành cũng được điều chỉnh trong Quy hoạch này.

Về khối lượng xây dựng lưới truyền tải: Giai đoạn 2021-2030: Xây dựng mới 49.350 MVA và cải tạo 38.168 MVA trạm biến áp 500 kV; xây dựng mới 12.300 km và cải tạo 1.324 km đường dây 500 kV; xây dựng mới 78.525 MVA và cải tạo 34.997 MVA trạm biến áp 220 kV; xây dựng mới 16.285 km và cải tạo 6.484 km đường dây 220 kV.

Định hướng giai đoạn 2031-2050: Xây dựng mới 40.000-60.000 MW dung lượng trạm HVDC và 5.200-8.300 km đường dây HVDC; xây dựng mới 90.900-105.400 MVA và cải tạo 117.900-120.150 MVA trạm biến áp 500 kV; xây dựng mới 9.400-11.152 km và cải tạo 801 km đường dây 500 kV; xây dựng mới 124.875-134.125 MVA và cải tạo 105.375-106.750 MVA trạm biến áp 220 kV; xây dựng mới 11.395-11.703 km, cải tạo 504-654 km đường dây 220 kV. 

Khối lượng lưới điện giai đoạn 2031-2050 sẽ chuẩn xác trong các quy hoạch điện thời kỳ tiếp theo.

Giúp giải tỏa công suất cho các dự án điện tái tạo miền Trung, miền Nam

Chuyên gia kinh tế, TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, nhận định việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII có ý nghĩa quan trọng đối với việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như thực hiện các cam kết về biến đối khí hậu của Việt Nam như phát thải ròng bằng không (net zero) hoặc Tuyên bố chính trị về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).

Như đã nêu trong Quyết định phê duyệt, Việt Nam sẽ không xây mới các nhà máy nhiệt điện than sau năm 2030 và thực hiện chuyển đổi dần các nhà máy nhiệt điện than sang sử dụng các dạng nhiên liệu sạch như sinh khối, ammonia nhằm giảm phát thải khí nhà kính như đã cam kết.

Đối với các dự án điện khí, Quy hoạch điện VIII ưu tiên triển khai các dự án sử dụng nguồn khí nội địa và chỉ sử dụng khí LNG trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung. Năng lượng tái tạo được đặc biệt ưu tiên phát triển trong bản Quy hoạch điện lần này, với định hướng đạt tỉ trọng khoảng 70% trong cơ cấu nguồn điện vào năm 2050, và thúc đẩy đầu tư điện mặt trời mái nhà với mục đích tự dùng với mục tiêu phủ kín 50% mái các toà nhà công sở và nhà dân.

Chuyên gia Hà Đăng Sơn cũng cho rằng: Việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII sau 2 năm rà soát cũng sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai các dự án truyền tải điện để giúp giải toả công suất cho các dự án điện tái tạo khu vực miền Trung và miền Nam, cũng như các tuyến đường dây 500 kV giúp cân đối cung cầu giữa 3 miền Bắc - Trung – Nam. 

Phan Trang