Tại hội nghị, các đại biểu nghe Báo cáo tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý dự thảo Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, trên cơ sở Quyết định số 916 ngày 30/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và theo nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành dự thảo Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đến hết ngày 25/10/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre đã nhận được văn bản tham gia ý kiến của 21 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Trung ương; 12/12 văn bản tham gia ý kiến của các tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long; ý kiến tham gia của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; ý kiến tham gia của các sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh.
Các đại biểu tập trung thảo luận và đóng góp ý kiến các nội dung liên quan đến: Quan điểm phát triển; kịch bản và mục tiêu phát triển; tổ chức không gian phát triển; các lĩnh vực, ngành kinh tế; phát triển đô thị, nông thôn,... của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Hội nghị đã nêu quan điểm, kịch bản và mục tiêu phát triển của tỉnh Bến Tre trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, có 5 quan điểm chi phối quá trình phát triển và 3 phương án phát triển dựa trên những giả định khác nhau về kịch bản phát triển của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch.
Trong thời kỳ quy hoạch, Bến Tre tập trung phát triển 3 vùng (vùng Bắc sông Hàm Luông, vùng Nam sông Hàm Luông, vùng ven biển) và 5 hành lang kinh tế (3 hành lang phát triển theo hướng Tây - Đông, hành lang phát triển theo hướng Bắc – Nam và hành lang kinh tế dọc theo tuyến đường ven biển).
Về phương án phát triển không gian đô thị, đến năm 2030, tỉnh Bến Tre có 37 đô thị.
Các phân khu chức năng chính được phát triển trong thời kỳ quy hoạch bao gồm: Khu vực lấn biển; khu đô thị nông nghiệp - công nghiệp sạch và du lịch tổng hợp; khu chức năng công nghiệp; hệ thống trung tâm logistic, cảng biển, cảng sông.
Ba lĩnh vực kết cấu hạ tầng có vai trò quan trọng tạo sự đột phá của tỉnh Bến Tre trong thời kỳ quy hoạch gồm: Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; kết cấu hạ tầng điện, năng lượng; hạ tầng thủy lợi.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho rằng cần xác định được động lực phát triển để dồn sức, tập trung thực hiện đạt các mục tiêu theo kịch bản phát triển đã lựa chọn.
Trong đó 3 lĩnh vực cần tập trung đột phá, gồm: Công nghiệp (xây dựng được các khu, cụm công nghiệp đã quy hoạch; công nghiệp chế biến nông, thủy sản; năng lượng sạch); hạ tầng giao thông (cầu Rạch Miễu 2, tuyến đường ven biển, cầu Đình Khao,…) và đô thị.
Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng nếu tuyến đường ven biển là động lực cho sự phát triển của toàn tỉnh, thì cần có "tuyến động lực nội tỉnh" từ thành phố Bến Tre kết nối với tuyến đường ven biển.
Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ khẳng định cần tiếp tục quán triệt, xác định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 là nội dung công việc đặc biệt quan trọng.
Đó là quy hoạch vùng gắn với quy hoạch quốc gia, là định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp để xây dựng phát triển tỉnh, thực hiện được sự khát vọng phát triển của Bến Tre.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, ông Lê Đức Thọ đề nghị Tỉnh ủy, các cấp, các ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia một cách toàn diện, có chiều sâu quy hoạch tỉnh.
Về quan điểm phát triển, ông Lê Đức Thọ thống nhất với quy hoạch đã nêu nhưng đơn vị tư vấn cần tiếp thu thêm các ý kiến góp ý để hoàn chỉnh rõ nét hơn về quan điểm nhất quán trong suốt quá trình triển khai thực hiện.
Về kịch bản phát triển, thống nhất lựa chọn kịch bản thứ 2 trong 3 kịch bản. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt từ 10 - 10,5%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030. Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo điều hành cần có sự nỗ lực phấn đấu cao hơn để phát triển Bến Tre sánh vai với các tỉnh trong khu vực và cả nước.
Về tổ chức không gian phát triển, cần chú trọng đến phát triển giao thông.
Về các vùng kinh tế, ông Lê Đức Thọ thống nhất với định hướng 3 vùng, gồm Bắc sông Hàm Luông, Nam sông Hàm Luông và vùng 3 huyện biển. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn cần dựa vào điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội để phân vùng cho rõ nét. Trong đó, hành lang kinh tế phải gắn quy hoạch giao thông, chủ yếu là đường bộ.
Về phát triển các ngành kinh tế, thống nhất với các nhóm đã đề xuất, trong đó tập trung công nghiệp xây dựng, công nghệ cao, năng lượng tái tạo. Nông nghiệp phát triển theo hướng vùng sản xuất tập trung, các thế mạnh của tỉnh như vườn cây ăn quả, chăn nuôi, thủy sản, cây giống, hoa cảnh, thương mại dịch vụ kết nối, mở rộng; phát triển du lịch gắn với sinh thái, văn hóa cộng đồng.
Lưu ý tổ chức lại vùng sản xuất tập trung, vùng dân cư tập trung cụ thể riêng biệt để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả hơn.
Về xác định các nguồn lực, các đơn vị tư vấn cần xác định rõ cho tỉnh các nguồn lực này, trong đó có nguồn lực tài chính cũng như các giải pháp huy động các nguồn lực. Đồng thời có lộ trình cụ thể trong tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án.
Ông Lê Đức Thọ đề nghị các đơn vị tư vấn tiếp tục phối hợp với các nhà phản biện, quy hoạch của tỉnh; phối hợp với các sở ngành, các cơ quan trong tỉnh để tiếp thu đầy đủ những nội dung góp ý của hội nghị cũng như các góp ý tiếp theo của các cấp, ngành và địa phương, các bộ, ngành Trung ương, nhà khoa học để sớm hoàn chỉnh nội dung quy hoạch tổng thể của tỉnh. Bảo đảm quy hoạch thật sự có chất lượng, đáp ứng được kỳ vọng phát triển của tỉnh.
Nguyễn Phương