Trước đó, Bộ VHTTDL đã nhận được Tờ trình số 1953/TTr-UBND ngày 7/6/2011 của UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An gắn với phát triển thành phố Hội An và du lịch giai đoạn 2012-2025.
Trên cơ sở nội dung Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An gắn với phát triển thành phố Hội An và du lịch giai đoạn 2012-2025 đã được UBND tỉnh Quảng Nam chỉnh sửa theo ý kiến góp ý của Bộ Tài chính tại Công văn số 15306/BTC-DT ngày 11/11/2010, ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 8249/BKH-LĐVX ngày 17/11/2010 và ý kiến của Bộ Xây dựng tại Công văn số 36/BXD-KTQH ngày 10/1/2011, Bộ VHTTDL báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:
Về nội dung chính của Quy hoạch:
Tên quy hoạch: Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An gắn với phát triển thành phố Hội An và du lịch giai đoạn 2012-2025.
Cấp quyết định chủ trương đầu tư: Thủ tướng Chính phủ.
Tổ chức lập quy hoạch: Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung, Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Bộ Xây dựng.
Mục tiêu của quy hoạch: Thực hiện những nhiệm vụ còn lại của Quyết định số 240/QĐ-TTg ngày 14/4/1997 của Thủ tướng Chính phủ; bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể; bảo tồn cảnh quan vốn có, môi trường cảnh quan liên hệ; nâng cao và phát huy vai trò cộng đồng trong công cuộc bảo tồn di sản, giáo dục người dân ý thức bảo tồn di sản cộng đồng, hài hòa giữa công tác bảo tồn đô thị và phát triển đô thị mới mang tính chất của một đô thị văn hóa, đô thị nhân văn; nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị cổ để phù hợp với việc bảo tồn di sản văn hóa, giảm thiểu các tác động xấu của môi trường đến di tích Hội An, hướng tới phòng chống thảm họa do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra; đề xuất quy chế quản lý di sản. Đồng thời, đáp ứng các yêu cầu của một di sản văn hóa thế giới, các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Nam, đáp ứng quy hoạch mới thành phố Hội An, chuẩn bị cơ sở cho những bước phát triển tiếp theo của một đô thị loại II – di sản văn hóa thế giới – thành phố sinh thái – thành phố du lịch.
Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của quy hoạch: Không gian văn hóa kiến trúc cổ (khu tiêu điểm là hạt nhân lịch sử, khu vực đệm chuyển tiếp, các làng nghề, làng cổ, các di tích…); không gian di sản văn hóa phi vật thể (tiếng nói, chữ viết, tác phẩm VHNT…).
Khu vực quy hoạch là khu di tích đô thị cổ đặc biệt quan trọng đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới.
Phạm vi nghiên cứu khoảng 1,6 km2, trong đó, khu đô thị cổ có diện tích 0,3 km2.
Đánh giá kết quả thực hiện Dự án tổng thể đầu tư bảo tồn, tu bổ và khai thác di tích khu phố cổ Hội An đã tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội ở địa phương, đặc biệt trên lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa khu phố cổ Hội An, đưa khu phố cổ Hội An trở thành một trong 10 thành phố du lịch quyến rũ nhất thế giới vào năm 2008.
Bên cạnh đó là những vấn đề còn tồn đọng như: di sản văn hóa khu phố cổ Hội An ngày càng bộc lộ rõ nét nhiều nguy cơ, trong đó có những nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của khu phố cổ đó là thiên tai bão lụt, hỏa hoạn, mối mọt, sự xuống cấp di tích…, các mặt tiêu cực của kinh doanh dịch vụ tác động đến việc bảo tồn di sản, làm biến dạng kiến trúc, việc thay đổi chủ sở hữu làm xói mòn các giá trị kiến trúc và tập quán sống truyền thống của đô thị cổ.
Nội dung quy hoạch bảo tồn di sản văn hóa gồm bảo tồn không gian kiến trúc-quy hoạch đô thị cổ và bảo tồn các công trình cổ, công trình cũ.
Nội dung quy hoạch đô thị nông thôn vùng di sản gồm điều chỉnh, bổ sung một số nội dung quy hoạch chung thành phố Hội An và các giải pháp cụ thể.
Nội dung quy hoạch gắn với phát triển du lịch, chú trọng vấn đề quản lý di sản và vai trò của cộng đồng, các chính sách, cơ chế và biện pháp thực hiện quy hoạch.
Tổng mức đầu tư: 1.468.869.000.000 đồng (Một nghìn, bốn trăm sáu mươi tám tỷ, tám trăm sáu mươi chín triệu đồng).
Nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách Trung ương, Ngân sách địa phương, tài trợ của quốc tế và nguồn xã hội hóa.
Thời gian thực hiện quy hoạch: từ năm 2012 đến 2025.
Về ý kiến đánh giá, nhận xét của các Bộ, Ngành:
Các Bộ đều nhất trí chủ trương lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di snar văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An gắn với phát triển thành phố Hội An và du lịch giai đoạn 2012-2025 của UBND tỉnh Quảng Nam.
Về kiến nghị của Bộ VHTTDL:
Đối với các loại công trình thuộc diện đầu tư tập trung trọng điểm cần phải được phân loại theo sở hữu để xem xét quyết định đầu tư 100% kinh phí hoặc nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí. Đối với các công trình không có giá trị bảo tồn nằm trên phố Trần Phú, Nguyễn Thái Học vẫn bắt buộc cải tạo mặt tiền phù hợp với cảnh quan chung phố cổ.
Cần tách bạch rõ phần việc đã đầu tư cải tạo hệ thống giao thông, cấp thoát nước, điện chiếu sáng, hệ thống phòng chống cháy trong khu vực di tích đã được triển khai trước đây ra khỏi nội dung quy hoạch này.
Cần cụ thể hơn nữa các dự án thành phần, giải pháp về nguồn vốn, lộ trình và thời gian thực hiện quy hoạch.
T.H