Cần có nguồn nhân lực tốt để thực hiện được quy hoạch quốc gia
Phát biểu tại tổ TPHCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đây là vấn đề khó, với xuất phát điểm ban đầu là Luật Quy hoạch, với quyết tâm chung thì Luật Quy hoạch đã được Quốc hội thông qua vào năm 2019. Trên cơ sở đó mới có thể làm quy hoạch tổng thể quốc gia. Chủ tịch nước đánh giá, Chính phủ đã chuẩn bị tờ trình đầy đủ, nhiều ý tưởng và thể hiện được tinh thần của Luật Quy hoạch.
Chủ tịch nước phân tích, tầm nhìn của quy hoạch đặt ra rất dài với 30 năm, trong một thế giới luôn biến đổi thì cần lưu ý đến yếu tố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong quá trình phát triển của đất nước.
"Nếu chúng ta chậm, không cập nhật hàng tháng thì chúng ta sẽ lạc hậu, đây là vấn đề rất lớn, yếu tố quyết định cho sự phát triển cho nên phải có tầm nhìn trong định hướng của quốc gia", Chủ tịch nước phân tích.
Chủ tịch nước cũng cho rằng đi liền với khoa học công nghệ phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu không có nguồn nhân lực tốt thì không thể nào thực hiện được quy hoạch. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã có kinh nghiệm và Việt Nam cần phải đặt vấn đề này để "đi tắt đón đầu".
Theo Chủ tịch nước, đây là thời kỳ biến động sâu sắc về biến đổi khí hậu, nước ta là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Cho nên khi đặt vấn đề về quy hoạch tại những trục chính, những đô thị, khu vực đông dân cư thì phải đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, giảm thiểu thiệt hại thiên tai, phát triển bền vững. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, phải tìm kiếm thị trường mới để mở ra không gian phát triển.
Về thể chế, phải phù hợp để hội nhập quốc tế, thể chế mà lạc hậu chậm trễ thì sẽ kìm nén phát triển. Thể chế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn này phải phù hợp theo xu hướng của thời đại và sự phát triển của đất nước.
Bố trí nguồn lực cho thực hiện công tác quy hoạch
Quan tâm về việc bố trí nguồn lực cho việc thực hiện công tác quy hoạch, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) nêu tình trạng xuống cấp của sân vận động quốc gia Mỹ Đình và nhấn mạnh: Khi xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, chúng ta học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới, nhưng khi tính toán nguồn lực để thực hiện quy hoạch cần đặt trong hoàn cảnh của Việt Nam, trong bối cảnh nguồn lực hiện nay.
Xây dựng quy hoạch phải khả thi, cần có cơ chế để sử dụng, huy động nguồn lực cho việc thực hiện quy hoạch. "Hiện nguồn lực đầu tư công có hạn, chúng ta không thể đầu tư dàn trải như trước đây, cần có trọng tâm trọng điểm. Quy hoạch tổng thể quốc gia cần xác định các cơ chế để có thể huy động nguồn lực trong xã hội, đẩy mạnh hợp tác theo hình thức đối tác công-tư (PPP)", ông Ngân nhìn nhận.
Đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) bày tỏ quan tâm đến Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là lần đầu tiên triển khai Quy hoạch này ở Việt Nam nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo đã làm việc rất công phu, khoa học. Tuy nhiên theo đại biểu, việc triển khai thực hiện Quy hoạch ra sao cho hiệu quả mới là vấn đề các đại biểu cũng như người dân quan tâm.
Đồng thời, Quy hoạch cần chú trọng đến việc phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, hướng đến phát triển "nền kinh tế số", "nền kinh tế xanh"; định hướng phát triển không gian biển…
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đánh giá cao các nội dung được đề cập trong quy hoạch tổng thể, song đại biểu cho rằng đây là quy hoạch quốc gia nhưng vẫn mang còn "hình hài" của một tỉnh, thành phố nào đó, chưa cụ thể hóa được chiến lược phát triển kinh tế-xã hội mang tầm quốc gia. Cụ thể là các thành phần kinh tế "độc lập, tự chủ, tự cường" thì dựa vào đâu để phát triển, chủ thể tham gia ở đây là ai? Định hướng phân bổ các thành phần kinh tế và tham gia vào nền kinh tế quốc gia như thế nào? Những vấn đề này chưa được đề cập trong quy hoạch nên cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ.
Đại biểu cũng cho rằng, trong quy hoạch cần làm rõ từng ngành kinh tế thì các sản phẩm cần phát triển cụ thể là gì; ngành nào là xương sống của nền kinh tế và chúng ta cần ưu tiên cho ngành nào, việc phân bổ nguồn lực ra sao để hình thành các vùng trọng điểm kinh tế.
GS.TS. Nguyễn Thanh Phương (Đại học Cần Thơ) và đại biểu Nguyễn Việt Thắng (TP. Cần Thơ) băn khoăn khi quy hoạch đất trồng lúa vẫn giữ đến 3,5 triệu ha, trong đó đồng bằng sông Cửu Long là 1,7 triệu ha liệu có hợp lý khi chúng ta đang phấn đấu trở thành nước công nghiệp, người dân "hướng đến ăn ngon, chứ không chỉ ăn no".
Bên cạnh đó, việc nâng cao tỉ lệ giường bệnh/người dân liệu có đi ngược lại xu thế chung khi mà các nước đang tập trung cho bác sĩ gia đình chứ không phải tăng bệnh viện công.
Do đó, đại biểu bày tỏ lo lắng lấy đâu ra nguồn lực lớn để đầu tư xây dựng cơ sở khám chữa bệnh công khi quy hoạch dự kiến.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) đánh giá cao dự thảo về quy hoạch lần này, nhất là thể chế rõ các nghị quyết, kết luận của cấp có thẩm quyền về chiến lược phát triển tổng thể và quy hoạch quốc gia đến năm 2030.
Về giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia, đại biểu Hồng Thanh cho rằng, dự thảo nghị quyết quy định 5 nhóm giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch như về huy động nguồn lực; về cơ chế, chính sách; về khoa học công nghệ; về nguồn nhân lực; về hợp tác quốc tế.
Theo đại biểu, để thực hiện thành công định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội trong quy hoạch tổng thể quốc gia đề năm 2030, tầm nhìn 2050, việc ưu tiên tập trung phát triển nhân lực chất lượng cao là cấp thiết, quan trọng hơn hết.
Muốn vậy, phải tập trung tối đa nguồn lực cho lĩnh vực này trong những chiến lược phát triển đất nước trong tương lai để có được "nguồn nhân lực chất lượng cao", thực sự đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn phát triển mới.
Lê Sơn