In bài viết

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Lạng Sơn

(Chinhphu.vn) - Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Lạng Sơn phấn đấu đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 9 - 10%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.600 USD.

10/05/2012 17:51

Một góc cửa khẩu Tân Thanh nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là phấn đấu đến năm 2020, tỉnh Lạng Sơn trở thành tỉnh có nền kinh tế tăng trưởng bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ; nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của nhân dân.

Bên cạnh đó, xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn trở thành trung tâm đầu mối quan trọng của tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Lạng Sơn phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 9-10%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.600 USD; tỷ trọng các ngành nông nghiệp - công nghiệp, xây dựng, dịch vụ trong cơ cấu GDP tương ứng chiếm 28% - 28% - 44%.

Ưu tiên phát triển công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh

Theo Quy hoạch, tỉnh Lạng Sơn phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp đạt 17 - 18%/năm.

Cụ thể, ưu tiên phát triển công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh như sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, lắp ráp, điện tử, cơ khí nhỏ, tái chế và sản xuất hàng xuất khẩu, hàng tiêu dùng và công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu là: Xi măng, sứ vệ sinh, đá xây dựng, đá trang trí, gạch, ngói các loại, quặng sắt, than nâu, bôxít, chì thỏi, gỗ chế biến các loại, nước hoa quả, rượu, nước thạch đen,...

Lạng Sơn phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân ngành dịch vụ đạt 9 - 10%; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bình quân 13%/năm; phấn đấu đến năm 2015 đón trên 2,8 triệu lượt khách du lịch và đạt trên 3,7 triệu lượt khách vào năm 2020.

Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn gắn với hành lang kinh tế Nam Ninh - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; đến năm 2020 đưa Lạng Sơn trở thành trung tâm dịch vụ của tiểu vùng Đông Bắc với các ngành dịch vụ trung chuyển hàng hóa, vận tải, tái chế và xuất nhập khẩu.

Đến 2015, 65% đường giao thông nông thôn được cứng hóa

Về hệ thống giao thông, tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc 1A Hà Nội - Lạng Sơn - Hữu Nghị; nghiên cứu nâng cấp các tuyến đường quốc lộ 1B Lạng Sơn - Thái Nguyên; quốc lộ 4A Lạng Sơn - Cao Bằng; quốc lộ 4B Lạng Sơn - Quảng Ninh và tuyến quốc lộ 279 kết nối  Bắc Giang - Lạng Sơn - Bắc Cạn phù hợp với nhu cầu phát triển và nguồn lực từng giai đoạn.

Bên cạnh đó, phát triển các tuyến đường liên huyện; cứng hóa mặt đường xã, thôn, bản; phấn đấu đến năm 2015 có 65% đường giao thông nông thôn được cứng hóa và đạt trên 90% vào năm 2020; nghiên cứu xây dựng các tuyến đường ra biên giới, đường nối từ đường hành lang biên giới lên đường tuần tra biên giới, đường tuần tra biên giới trên đất liền; các cầu lớn vượt sông như: Cầu Thác Mạ, cầu Na Sầm, cầu Hùng Việt, cầu Lộc Bình phù hợp với nguồn lực của từng giai đoạn.

Phát triển tuyến đường sông chạy trên sông Kỳ Cùng từ thành phố Lạng Sơn đi Khánh Khê (huyện Văn Quan) và tuyến từ Bản Trại đi Bình Nghi (huyện Tràng Định).

Hoàng Diên