Hội thảo góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và Nghị quyết số 148/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Theo Bộ Xây dựng, quá trình đô thị hóa đang gia tăng trên khắp thế giới. Đến năm 2050, khoảng 70% nhân loại sẽ sống ở các đô thị. Việt Nam cũng nhằm trong xu thế chung của khu vực và thế giới.
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là khu vực gồm 14 tỉnh ven biển với tổng số lượng đô thị là 210 đô thị, công tác quản lý phát triển đô thị thời gian qua cũng đã có được nhiều kết quả tích cực.
Mặc dù có tỉ lệ đô thị hóa thấp hơn tỉ lệ trung bình của cả nước, nhưng những năm gần đây tốc độ đô thị hóa toàn vùng đã đạt trung bình khoảng 1,2%/năm, cao hơn tốc độ đô thị hóa trung bình của cả nước (khoảng 1%). Các đô thị lớn là trung tâm tỉnh lỵ đóng vai trò động lực phát triển không chỉ trong tỉnh mà trong cả vùng miền Trung.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, Quảng Trị là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu trong vùng. Mặc dù tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý về quy hoạch, đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống đô thị bền vững, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với tiềm năng phát triển kinh tế xã hội, điều kiện tự nhiên, văn hóa đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên vẫn còn những bất cập, hạn chế, khó khăn chưa giải quyết triệt để.
Cần chú trọng tích hợp những rủi ro vào công tác quy hoạch
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, vùng cũng gặp phải những khó khăn, thách thức, như: 12/14 tỉnh trong vùng với 37 đô thị ven biển được xác định sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, trọng tâm là nguy cơ ngập, lụt, suy giảm nguồn nước do xâm thực mặn, là thách thức lớn cho mục tiêu phát triển bền vững.
Để phát triển đô thị vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, các địa phương cần tiếp tục quán triệt và tập trung triển khai các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với vùng, tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp trong quy hoạch và phát triển đô thị theo tinh thần Nghị quyết số 06/NQ-CP, Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ, chú trọng đối với các đô thị là hạt nhân và trung tâm cấp vùng.
Ưu tiên thực hiện tốt công tác quy hoạch, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; tập trung đẩy mạnh việc kết nối hệ thống các đô thị hạt nhân và đô thị trung tâm cấp vùng trong vùng nói riêng và với hệ thống đô thị toàn quốc; các đô thị lớn cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hình thành nhiều các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch nghỉ dưỡng gắn liền đô thị tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế đô thị...
"Lựa chọn, khai thác và phát huy sự khác biệt của từng đô thị, để tạo sự đa dạng và hỗ trợ phát triển lẫn nhau. Các đô thị như Huế, Hội An với yếu tố di sản hay Nha Trang, Phan Thiết... với đường bờ biển dài và đẹp, cần được xây dựng thành những điểm đến, những đô thị di sản, du lịch tầm cỡ khu vực quốc tế.
Các đô thị ven biển các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận... cần được thúc đẩy để trở thành điểm đến thu hút nguồn đầu tư lớn cho các dự án năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời), đi kèm với đó là dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Sự đa dạng này chính là ưu điểm của hệ thống các đô thị khu vực vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ", Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, cần chú trọng việc tích hợp những rủi ro vào công tác quy hoạch đô thị cho các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền núi, ven biển và khu vực đồng bằng. Có cơ chế, chính sách cho việc xây dựng quy hoạch đô thị đảm bảo tích hợp các vấn đề liên quan đến biển đổi khí hậu.
Cần tiếp tục thực hiện Quyết định số 438/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030"; sớm hoàn thiện, cập nhật các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, quản lý đô thị… Ưu tiên các nguồn lực để thực hiện việc tích hợp những rủi ro vào công tác quy hoạch đô thị cho các tỉnh, thành phố.
Lưu Hương