Ảnh minh họa |
Trong Quý I/2016, các Bộ, cơ quan ngang Bộ có nhiệm vụ xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 216 văn bản (78 nghị định, 5 quyết định, 118 thông tư, 15 thông tư liên tịch), bao gồm: 57 văn bản (16 nghị định, 32 thông tư, 9 thông tư liên tịch) quy định chi tiết 20 luật đã có hiệu lực; 159 văn bản (62 nghị định, 5 quyết định, 86 thông tư, 6 thông tư liên tịch) quy định chi tiết thi hành 18 luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, 9, 10 sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.
Đến ngày 24/3/2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành được 18/216 văn bản. Đối với 57 văn bản quy định chi tiết 20 luật đã có hiệu lực, đã ban hành được 17/57 văn bản. Đối với 159 văn bản quy định chi tiết 18 luật sẽ có hiệu lực trong thời gian tới, hiện mới ban hành được 1 văn bản.
Theo Bộ Tư pháp, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết còn rất chậm, nhất là đối với các thông tư, thông tư liên tịch. Trong Quý I/2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ chỉ ban hành được 18 văn bản quy định chi tiết, ít hơn 4 văn bản so với Quý I/2015 (22 văn bản) và ít hơn 12 văn bản so với trung bình năm 2015 (khoảng 30 văn bản/quý).
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Bộ Tư pháp, về khách quan, vẫn còn nhiều Bộ phải xây dựng, ban hành số lượng lớn văn bản. Bên cạnh đó, trong Quý I/2016, các Bộ, ngành phải tập trung thời gian, nguồn lực để chuẩn bị cho một số sự kiện quan trọng của đất nước như Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng lần thứ XII, bầu cử đại biểu Quốc hội.
Về nguyên nhân chủ quan, lãnh đạo một số Bộ chưa thực sự sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo, đôn đốc công tác xây dựng, ban hành văn bản; chưa thực hiện nghiêm các quy định của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết như yêu cầu hạn chế nội dung giao quy định chi tiết trong dự án luật, pháp lệnh, trình dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm theo dự án luật, pháp lệnh. Công tác phối hợp giữa cơ quan chủ trì soạn thảo với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan trong công tác soạn thảo văn bản chưa thực sự chặt chẽ, dẫn đến việc kéo dài thời gian soạn thảo, chỉnh lý, hoàn thiện dự án, dự thảo văn bản.
Đôn đốc quyết liệt công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết
Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết; chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt hơn đối với công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; chỉ đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với những dự án đã được chuẩn bị kỹ về nội dung để bảo đảm tính khả thi; thực hiện hạn chế nội dung giao quy định chi tiết trong dự án luật, pháp lệnh, chủ động xây dựng, trình dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm theo dự án luật, pháp lệnh.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị chuyên môn với tổ chức pháp chế; giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản, báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng các giải pháp nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ văn bản, giải quyết dứt điểm tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết trong Quý II/2016 để bảo đảm yêu cầu triển khai thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Bộ Tư pháp cũng đề nghị các Bộ: Quốc phòng, Y tế, Công an, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Ngoại giao, Tài chính khẩn trương xây dựng, hoàn thành các hồ sơ, thủ tục để ban hành hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 40 văn bản còn nợ ban hành; tổ chức hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong khoảng thời chưa có văn bản quy định chi tiết, nhất là đối với những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Các Bộ, ngành có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 158 văn bản quy định chi tiết thi hành 18 luật sẽ có hiệu lực trong thời gian tới cần chủ động tổ chức nghiên cứu soạn thảo, hoàn tất thủ tục, hồ sơ để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền bảo đảm chất lượng, tiến độ của văn bản, có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, nhất là đối với các luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016.
- Danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành các luật được ban hành trong Quý I/2016
- Danh mục văn bản nợ ban hành quy định chi tiết thi hành luật đã có hiệu lực
- Danh mục văn bản quy định chi tiết các luật sẽ có hiệu lực trong thời gian tới
- Nhiệm vụ trình dự án luật, pháp lệnh trong Quý II/2016
Tuệ Văn