In bài viết

Quỹ phúc lợi có được dùng để chi tiền cước điện thoại?

(Chinhphu.vn) – Trường THCS của bà Phạm Thị Hà (Đà Nẵng) được Nhà nước bảo đảm 100% kinh phí. Khi xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, trường sử dụng Quỹ phúc lợi để chi tiền điện thoại cho hiệu trưởng, hiệu phó, kế toán với mức 200.000 đồng/người/tháng; chi hỗ trợ kế toán 500.000 đồng/tháng. Bà Hà hỏi, như vậy có đúng không?

08/10/2018 14:20

Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Khoản 4, Điều 20 Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập quy định:

“Quỹ phúc lợi dùng để xây dựng, sửa chữa các công trình phúc lợi, chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể của người lao động trong đơn vị; trợ cấp khó khăn đột xuất cho người lao động, kể cả trường hợp nghỉ hưu, nghỉ mất sức; chi thêm cho người lao động trong biên chế thực hiện tinh giản biên chế. Thủ trưởng đơn vị quyết định việc sử dụng quỹ theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị”.

Theo quy định trên, đơn vị sử dụng Quỹ phúc lợi để chi tiền điện thoại cho hiệu trưởng, hiệu phó và kế toán là 200.000 đồng/người/tháng và chi hỗ trợ cho kế toán 500.000 đồng/tháng là không đúng với quy định về sử dụng Quỹ phúc lợi.

Đối tượng được thanh toán cước điện thoại

Điểm d, Phụ lục số 01 Thông tư  số 71/2006/TT-BTC ngày 9/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP hướng dẫn nội dung sử dụng điện thoại khi xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ như sau:

Đối với trường hợp không đủ tiêu chuẩn trang bị điện thoại cố định tại nhà riêng và điện thoại di động theo quy định trên, nhưng trong thực tế xét thấy cần thiết phải trang bị để phục vụ công việc chung thì Thủ trưởng đơn vị được mở rộng đối tượng được cấp tiền để thanh toán tiền cước phí sử dụng điện thoại cho phù hợp (riêng tiền mua máy, chi phí lắp đặt và hòa mạng máy do cá nhân phải tự thanh toán).

Đối với đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí hoạt động, đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động: Mức thanh toán tiền cước sử dụng điện thoại tối đa không quá 200.000 đồng/máy/tháng đối với điện thoại cố định tại nhà riêng và 400.000 đồng/máy/tháng đối với điện thoại di động;

Đơn vị sự nghiệp kinh phí hoạt động do ngân sách bảo đảm: Mức thanh toán tiền cước sử dụng điện thoại tối đa không quá 100.000 đồng/máy/tháng đối với điện thoại cố định tại nhà riêng và 200.000 đồng/máy/tháng đối với điện thoại di động.

Theo bà Hà thì đơn vị bà là đơn vị được ngân sách Nhà nước bảo đảm 100% kinh phí. Do vậy, theo quy định trên, khi xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ thì Thủ trưởng đơn vị được mở rộng đối tượng được cấp tiền để thanh toán tiền cước phí sử dụng điện thoại.

Mức thanh toán tiền cước sử dụng điện thoại tối đa không quá 100.000 đồng/máy/tháng đối với điện thoại cố định tại nhà riêng và 200.000 đồng/máy/tháng đối với điện thoại di động.

Chinhphu.vn