Ảnh minh họa |
Quy tắc này được áp dụng đối với các cầu thủ, huấn luyện viên và trọng tài tham gia các giải thi đấu của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF), Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC), Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA).
Cầu thủ, huấn luyện viên, trọng tài bóng đá khi tham gia giải thi đấu của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, AFF, AFC và FIFA phải tuân thủ 15 quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Trong đó, đáng chú ý là phải kiên quyết loại trừ hành vi tiêu cực trong bóng đá. Cầu thủ, huấn luyện viên và trọng tài bóng đá luôn đấu tranh không khoan nhượng để loại trừ ma túy, phân biệt chủng tộc, bạo lực, cá độ bất hợp pháp và những hành vi tiêu cực khác trong hoạt động bóng đá; tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng, giúp đỡ người khác để ngăn chặn hành vi tiêu cực; tố giác người có hành vi tiêu cực trong hoạt động bóng đá.
Đồng thời, cầu thủ, huấn luyện viên và trọng tài bóng đá có nghĩa vụ giữ gìn phẩm chất và uy tín nghề nghiệp, có thái độ ứng xử đúng mực, không có hành vi bất nhã, kích động, đe dọa đối với trọng tài, cầu thủ, huấn luyện viên các đội bóng, thành viên ban tổ chức, giám sát, khán giả; đoàn kết, phối hợp chặt chẽ và tận tình giúp đỡ đồng nghiệp để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cầu thủ, huấn luyện viên và trọng tài bóng đá không được giả mạo hoặc làm sai lệch tài liệu, hồ sơ cá nhân; để lợi ích vật chất chi phối đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, làm ảnh hưởng kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; làm sai lệch kết quả trận đấu; cá độ bất hợp pháp, bán độ; môi giới bán độ, cá độ…
Trọng tài bóng đá không được có quan hệ không minh bạch với các đội bóng và các đối tượng khác trong thời gian hành nghề trọng tài; không được đưa ra những yêu cầu ngoài quy định của ban tổ chức giải đối với ban tổ chức trận đấu
Thanh Hoài