In bài viết

Quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân

(Chinhphu.vn) - Ông Võ Việt Hảo (tỉnh Đắk Lắk) hỏi: Ban Thanh tra của trường học có nhiệm kỳ 2 năm thì có được quyền thanh tra 1 sự việc diễn ra đã 4 năm?

18/11/2010 17:03

Vấn đề ông Hảo hỏi, Công ty Luật TNHH Đại Việt tư vấn như sau:

Điều 64 Luật Thanh tra năm 2004 quy định: Ban thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước do Hội nghị công nhân, viên chức hoặc Hội nghị đại biểu công nhân, viên chức bầu.

Ban thanh tra nhân dân có từ 3 đến 9 thành viên là người lao động hoặc đang công tác trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước.

Nhiệm kỳ của Ban thanh tra nhân dân là 2 năm.

Trong nhiệm kỳ, nếu thành viên Ban thanh tra nhân dân không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không còn được tín nhiệm thì Ban chấp hành Công đoàn cơ sở đề nghị Hội nghị công nhân, viên chức hoặc Hội nghị đại biểu công nhân, viên chức bãi nhiệm và bầu người khác thay thế.

Như vậy, nhiệm kỳ của Ban thanh tra nhân dân trong trường THCS (đơn vị sự nghiệp) là 2 năm. Khi hết nhiệm kỳ thì Hội nghị viên chức của trường bầu lại Ban thanh tra nhân dân mới.

Ngoài ra, theo Điều 65, Luật Thanh tra 2004, Ban thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước do Ban chấp hành Công đoàn cơ sở trực tiếp chỉ đạo hoạt động.

Căn cứ vào nghị quyết Hội nghị công nhân, viên chức hoặc Hội nghị đại biểu công nhân, viên chức của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước và sự chỉ đạo của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, Ban thanh tra nhân dân lập chương trình công tác theo từng quý, từng năm.

Ban thanh tra nhân dân có trách nhiệm báo cáo về hoạt động của mình với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, Hội nghị công nhân, viên chức hoặc Hội nghị đại biểu công nhân, viên chức của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước.

Hoạt động xác minh của Ban thanh tra nhân dân

Theo Điều 32 Nghị định 99/2005/NĐ-CP ngày 28/7/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra, khi được người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước giao nhiệm vụ xác minh, Ban Thanh tra nhân dân có trách nhiệm thực hiện đúng nội dung, thời gian, phạm vi nhiệm vụ được giao.

Trong quá trình thực hiện việc xác minh, Ban Thanh tra nhân dân được quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các thông tin, tài liệu cần thiết phục vụ cho việc xác minh, xem xét để làm rõ sự việc được xác minh.

Kết thúc việc xác minh, Ban Thanh tra nhân dân báo cáo với người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước về kết quả xác minh; đồng thời kiến nghị biện pháp giải quyết.

Trong quá trình thực hiện việc xác minh, nếu phát hiện việc vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công nhân, viên chức cần phải xử lý ngay thì lập biên bản và kiến nghị người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết, đồng thời giám sát việc thực hiện kiến nghị đó.

Như vậy, khi được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp giao nhiệm vụ xác minh, Ban Thanh tra nhân dân có trách nhiệm thực hiện đúng nội dung, thời gian, phạm vi nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, Ban Thanh tra nhân dân tại trường học phải được báo cáo với Ban chấp hành công đoàn cơ sở, Hội nghị viên chức hoặc Hội nghị đại biểu viên chức của trường học.

Ông Hảo có thể tham khảo quy định nêu trên để xem xét, đối chiếu với trường hợp mà ông thắc mắc.

Công ty Luật TNHH Đại Việt

(Số 335 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội)

* Thông tin chuyên mục này có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong hoạt động tố tụng pháp luật