Về vấn đề này, Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2012, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
- Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động.
- Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; nếu là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Trường hợp ông Vũ Quốc Thành, năm 2010 ông ký hợp đồng lao động có thời hạn với Công ty hạ tầng. Đến nay Công ty hạ tầng đề nghị ông ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Căn cứ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2012 nêu trên, hiện nay ông Thành là người lao động làm việc trong doanh nghiệp.
Ông Thành không phải là viên chức, vì không được tuyển dụng vào vị trí việc làm ở đơn vị sự nghiệp công lập, theo chỉ tiêu biên chế và trình tự thủ tục tuyển dụng viên chức.
Về quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN của người lao động theo hợp đồng lao động ở doanh nghiệp giống như quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN của viên chức được tuyển dụng và làm việc theo hợp đồng làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập.
Thời gian ông Thành làm việc, có đóng BHXH ở Bến xe khách, Sở Giáo dục và Đào tạo được cộng dồn, cộng nối với thời gian làm việc có đóng BHXH tại Công ty hạ tầng, làm cơ sở tính hưởng các chế độ BHXH.
Các chế độ, quyền lợi của người lao động, trong đó có các quyền lợi, chế độ cơ bản như việc làm, tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi thực hiện theo quy định của Bộ Luật Lao động và sự thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.
Tin liên quan:
- Quyền lợi người lao động khi doanh nghiệp nợ đóng BHXH
- Đơn vị còn nợ BHXH, có được hưởng chế độ hưu?