Bà Nguyễn Hồng Nhung (hongnhung180791@... ): Tôi là người khuyết tật nên tôi có BHYT của người khuyết tật, vậy khi tham gia BHXH, tôi có phải đóng BHYT nữa không? Tôi hỏi kế toán thì được trả lời là vẫn phải đóng. Như vậy, tôi có 2 thẻ BHYT có được không?
BHXH Việt Nam trả lời: Trường hợp bà là người khuyết tật, được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, Nhà nước sẽ mua thẻ BHYT cho bà. Trường hợp bà đi làm (có hợp đồng lao động và nhận lương), lúc đó, bà phải tham gia BHYT theo nhóm đối tượng thứ nhất quy định tại Điều 12 Luật BHYT.
Tuy nhiên, vì bà là người khuyết tật, nên bà được hưởng quyền lợi BHYT mã 2, được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh trừ các loại thuốc, dịch vụ kỹ thuật có giới hạn tỷ lệ chi trả.
Ông Lưu Quang Bình (luubinhtvxdpt@...): Cháu tôi bị suy thận, đang chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần, cháu tôi có hộ khẩu tại xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc và đang dùng thẻ BHYT hộ nghèo, chạy thận theo đúng tuyến, cháu tôi phải điều trị ở bệnh viện tỉnh Vĩnh Phúc tại TP. Vĩnh Yên, cách nhà 30 km. Nay cháu tôi muốn điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trên địa bàn TP. Việt Trì, cách nhà 3,5 km thì phải làm thế nào? Cháu tôi có chuyển BHYT về tỉnh Phú Thọ được không? Nếu được thì trình tự, thủ tục như thế nào?
BHXH Việt Nam trả lời: Hiện tại, giữa tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ chưa có các quy định về chuyển người bệnh tại các địa bàn giáp ranh do vậy để cháu được chạy thận nhân tạo tại tỉnh Phú Thọ, ông phải liên hệ trước với Bệnh viện tỉnh Phú Thọ về khả năng tiếp nhận chạy thận nhân tạo.
Trường hợp Bệnh viện tỉnh Phú Thọ đồng ý tiếp nhận và Bệnh viện tỉnh Vĩnh Phúc đồng ý chuyển cháu thì cơ quan BHXH sẽ thanh toán chi phí chạy thận nhân tạo cho cháu theo chế độ BHYT tại Bệnh viện tỉnh Phú Thọ.
Ông Hà Duy Hiếu (duyhieu@...): Con trai tôi hiện được 8 tháng tuổi. Con tôi đăng ký hộ khẩu, khai sinh ở huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội và đã được cấp BHYT. Hiện tôi công tác tại TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Sau khi con tôi sinh được hơn một tháng, tôi đã đón vợ, con xuống TP. Bắc Ninh ở cùng và đăng ký tạm trú tại đây. Khi con tôi được 7 tháng tuổi, con tôi bị sốt, bỏ ăn. Tôi đã đưa con đến khám tại Bệnh viện Sản – Nhi Bắc Ninh. Khi nhập viện, nhân viên bệnh viện cho biết con tôi không được hưởng BHYT. Tôi xin hỏi, trường hợp của con tôi bệnh viện giải quyết như vậy có đúng không?
BHXH Việt Nam trả lời: Theo quy định, người có thẻ BHYT đến khám, chữa bệnh không đúng nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ, được hưởng đầy đủ quyền lợi khám, chữa bệnh trong các trường hợp sau:
- Vào viện trong tình trạng cấp cứu.
- Tạm trú (hoặc đi công tác): Xuất trình thêm Phiếu đăng ký tạm trú hoặc giấy công tác; khám, chữa bệnh tại cơ sở tương đương tuyến chuyên môn kỹ thuật ghi trên thẻ BHYT. Trường hợp nơi đó không có cơ sở khám, chữa bệnh tương đương thì được lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh khác, thuận tiện cho việc khám, chữa bệnh.
Nếu con ông Hiếu vào Bệnh viện Sản - Nhi không trong các trường hợp nêu trên, thì khi khám, chữa bệnh ngoại trú sẽ không được quỹ BHYT chi trả, còn nếu điều trị nội trú thì được quỹ BHYT chi trả 60% chi phí thuộc phạm vi quyền lợi BHYT.