Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:
Điều 26 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, quy định việc biệt phái viên chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây: Theo nhiệm vụ đột xuất, cấp bách; Để thực hiện công việc cần giải quyết trong một thời gian nhất định.
Thời hạn biệt phái viên chức không quá 3 năm. Trường hợp một số ngành, lĩnh vực đặc thù yêu cầu phải có thời hạn biệt phái dài hơn thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái tiếp tục quản lý, theo dõi trong thời gian viên chức được cử đi biệt phái.
Cơ quan, đơn vị tiếp nhận viên chức biệt phái có trách nhiệm phân công, bố trí, đánh giá, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ công tác đối với viên chức đó.
Viên chức được cử biệt phái được hưởng quyền lợi quy định tại Khoản 4, Khoản 5 và Khoản 6 Điều 36 Luật viên chức. Cụ thể:
Trong thời gian biệt phái, đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm bảo đảm tiền lương và các quyền lợi khác của viên chức.
Viên chức được cử biệt phái đến miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
Hết thời hạn biệt phái, viên chức trở về đơn vị cũ công tác. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm tiếp nhận và bố trí việc làm cho viên chức hết thời hạn biệt phái phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức.
Về phụ cấp thâm niên nghề Bảo vệ thực vật
Theo Khoản 2 Mục II Thông tư liên tịch số 64/2006/TTLT-BNN-BNV-BTC ngày 25/8/2006 của liên Bộ NN&PTNT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 132/2006/QĐ-TTg ngày 31/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức ngành Kiểm lâm, Bảo vệ thực vật, Thú y và Kiểm soát đê điều (tình trạng còn hiệu lực), thì mức phụ cấp 10% áp dụng đối với các công chức, viên chức chuyên môn làm việc tại các Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y, Trạm kiểm dịch động vật, thực vật nội địa hoặc cửa khẩu nơi không có phụ cấp khu vực; các công chức, viên chức chuyên môn trực tiếp làm kiểm dịch động vật, thực vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, chẩn đoán bệnh động vật, điều tra phát hiện và dự tính dự báo bảo vệ thực vật, giám định và kiểm nghiệm thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật tại các Chi cục Bảo vệ thực vật và Chi cục Thú y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trung tâm thú y hoặc Chi cục kiểm dịch thực vật vùng, Trung tâm chuyên ngành thuộc Cục Thú y và thuộc Cục Bảo vệ thực vật.
Tuy nhiên, tại Điểm b, Khoản 2 Mục I, Thông tư liên tịch này có quy định, các đối tượng nêu trên không được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề trong các thời gian đi công tác, học tập ở trong nước không trực tiếp làm công tác chuyên môn trên 3 tháng.
Về chế độ công tác phí
Tại Điểm d, Khoản 4 Điều 3 Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính về chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị (tình trạng còn hiệu lực) thì, những ngày được giao nhiệm vụ thường trú hoặc biệt phái tại một địa phương hoặc cơ quan khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền. không được thanh toán công tác phí.
Tại Khoản 6, Điều 4 Thông tư này quy định, cơ quan, đơn vị cử người đi công tác có trách nhiệm thanh toán các khoản công tác phí cho người đi công tác (trừ trường hợp được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều này).
Trường hợp bà Nguyễn Thị Mận, là viên chức Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, chức danh nghề nghiệp Bảo vệ viên thực vật hạng III (Mã số V.03.01.02), đang hưởng 10% phụ cấp ưu đãi nghề. Nay bà Mận được cử biệt phái đến Phòng NN&PTNT công tác trong thời gian 2 năm.
Căn cứ quy định tại Khoản 5 Điều 26 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP; Khoản 4 Điều 36 Luật Viên chức, trong thời gian biệt phái, đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm bảo đảm tiền lương và các quyền lợi khác của bà Mận.
Căn cứ Điểm b, Khoản 2 Mục I, Thông tư liên tịch 64/2006/TTLT-BNN-BNV-BTC, trường hợp bà Mận, trong thời gian được cử biệt phái, nếu không trực tiếp làm công việc chuyên môn bảo vệ thực vật tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện trên 3 tháng, thì không hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề.
Căn cứ quy định tại Điểm d, Khoản 4 và Khoản 6 Điều 3 Thông tư số 40/2017/TT-BTC, trường hợp bà Mận, viên chức của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp được cử biệt phái đến Phòng NN&PTNN công tác; ở tại nhà riêng hoặc ở nhà công vụ, đi lại làm việc tại trụ sở cơ quan tiếp nhận biệt phái, trên cùng một địa bàn thị trấn thuộc huyện với đơn vị cử biệt phái, thì không được thanh toán công tác phí.
Nếu trong thời gian biệt phái, bà Mận được Phòng NNN&PTNT cử đi công tác, thực hiện nhiệm vụ của Phòng NN&PTNT giao, có phát sinh chi phí đi lại, thuê phòng ngủ tại nơi đến công tác, phát sinh phụ cấp lưu trú thì Phòng NN&PTNT có trách nhiệm thanh toán công tác phí.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.