Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:
Tại Khoản 1, Khoản 2 Luật BHYT 2008; Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014 quy định:
"1. BHYT là hình thức bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.
2. BHYT toàn dân là việc các đối tượng quy định trong Luật này đều tham gia BHYT".
Tại Khoản 21 Điều 12 Luật BHYT năm 2008 quy định học sinh, sinh viên (HSSV) là đối tượng tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT.
Về quyền lợi và mức hưởng khi tham gia BHYT HSSV:
Được hưởng thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh đối với các trường hợp sau: Học sinh là trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng, trẻ thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng khó khăn; người đang sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; con của liệt sĩ;
Được thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh: HSSV là con của công an, bộ đội tại ngũ;
- Được thanh toán 80% chi phí khám, chữa bệnh đối với các đối tượng HSSV khác.
Ngoài ra, các đối tượng này còn được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh, chữa bệnh trong trường hợp sau:
- Khám, chữa bệnh tại tuyến xã;
- Chi phí khám, chữa bệnh mỗi lần thấp hơn 15% mức lương cơ sở;
- Tham gia BHYT 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng mức lương cơ sở.
Đối với các trường hợp đi khám, chữa bệnh không đúng cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu mức hưởng như sau:
- Được thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú của mức hưởng đúng tuyến đối với các trường hợp thực hiện tại bệnh viện tuyến trung ương;
- Được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú của mức hưởng đúng tuyến: Tại Bệnh viện tuyến tỉnh;
Trường hợp cấp cứu được khám và điều trị ở bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào và xuất trình thẻ BHYT thì được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh, theo đúng quy định.
Chinhphu.vn