In bài viết

Quyền, nghĩa vụ của người được Nhà nước bồi thường thiệt hại

(Chinhphu.vn) - Tại dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Bộ Tư pháp đã đề xuất quy định về quyền và nghĩa vụ của người bị thiệt hại; người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường của Nhà nước.

14/07/2016 17:50

Ảnh minh họa

Theo dự thảo, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại, khôi phục danh dự theo quy định; được ủy quyền cho người đại diện hợp pháp thực hiện quyền yêu cầu bồi thường; được cơ quan giải quyết bồi thường hoặc Tòa án giải quyết bồi thường và thông báo kết quả việc giải quyết bồi thường; kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp không xác định được cơ quan giải quyết bồi thường.

Đồng thời, khiếu nại, tố cáo quyết định, hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền trong việc giải quyết bồi thường theo quy định; khiếu nại, kháng cáo bản án, quyết định của Toà án theo quy định của pháp luật tố tụng; yêu cầu cơ quan, pháp nhân, người có thẩm quyền khôi phục các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình.

Người bị thiệt hại có nghĩa vụ cung cấp kịp thời, đầy đủ, trung thực tài liệu, chứng cứ có liên quan đến yêu cầu bồi thường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của mình; tham gia đầy đủ vào quá trình giải quyết bồi thường theo yêu cầu của cơ quan giải quyết bồi thường; chứng minh về thiệt hại thực tế đã xảy ra.

Người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại có nghĩa vụ cung cấp kịp thời, đầy đủ và trung thực thông tin, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết bồi thường theo yêu cầu của cơ quan giải quyết bồi thường hoặc Tòa án và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của mình; tham gia đầy đủ vào quá trình giải quyết bồi thường, xác định trách nhiệm hoàn trả, xem xét trách nhiệm kỷ luật theo yêu cầu của cơ quan giải quyết bồi thường và cơ quan gây thiệt hại; hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan giải quyết bồi thường và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại có quyền nhận các văn bản liên quan đến việc giải quyết bồi thường; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện quyết định, hành vi trái pháp luật của cơ quan giải quyết bồi thường, người có thẩm quyền trong việc giải quyết bồi thường, xác định trách nhiệm hoàn trả, xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cá nhân, cơ quan, pháp nhân theo quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan và quyền khác theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ của cơ quan gây thiệt hại

Theo dự thảo, cơ quan gây thiệt hại phải tham gia đầy đủ vào việc giải quyết bồi thường và xem xét trách nhiệm hoàn trả theo yêu cầu của cơ quan giải quyết bồi thường; thực hiện việc xử lý kỷ luật theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người thi hành công vụ gây thiệt hại; thu hồi tiền hoàn trả theo quy định; thực hiện việc khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại theo quy định; thực hiện việc khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại; báo cáo kết quả việc xử lý kỷ luật người thi hành công vụ cho cơ quan có thẩm quyền và cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường.

Cơ quan giải quyết bồi thường tiếp nhận, thụ lý đơn yêu cầu bồi thường; xác minh thiệt hại, thương lượng với người yêu cầu bồi thường, ra quyết định giải quyết bồi thường; tham gia tố tụng tại Toà án với tư cách là bị đơn trong trường hợp người yêu cầu bồi thường khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết bồi thường; xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ; giải quyết khiếu nại, tố cáo liên qua đến việc giải quyết bồi thường theo quy định; tổ chức khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại theo quy định; khôi phục hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại; thực hiện xử lý vi phạm trong hoạt động giải quyết bồi thường, xác định trách nhiệm hoàn trả, xử lý kỷ luật theo kiến nghị của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu cơ quan gây thiệt hại và các cơ quan liên quan thu hồi tiền hoàn trả, xử lý kỷ luật người đứng đầu cơ quan gây thiệt hại và người đứng đầu các cơ quan liên quan không hợp tác trong hoạt động giải quyết bồi thường; báo cáo về công tác bồi thường theo quy định.

Các hành vi bị nghiêm cấm

Theo dự thảo, nghiêm cấm người đại diện giải quyết bồi thường, người yêu cầu bồi thường thực hiện các hành vi sau đây: Giả mạo hồ sơ, tài liệu, giấy tờ để được bồi thường; thông đồng giữa người yêu cầu bồi thường với người đại diện giải quyết bồi thường và người có liên quan để trục lợi trong việc giải quyết bồi thường; lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào quá trình giải quyết bồi thường, xác định trách nhiệm hoàn trả và xử lý kỷ luật; không giải quyết bồi thường hoặc giải quyết bồi thường trái pháp luật; không thực hiện việc xác định trách nhiệm hoàn trả và xem xét, xử lý kỷ luật; sử dụng trái phép kinh phí bồi thường; sách nhiễu trong quá trình giải quyết bồi thường.

Nghiêm cấm cơ quan gây thiệt hại, cá nhân, pháp nhân khác có hành vi cản trở hoạt động giải quyết bồi thường.

Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Tuệ Văn