In bài viết

Quyền tự do kinh doanh: Làm sao bảo đảm thực thi?

(Chinhphu.vn) – Đây có lẽ là một trong những vấn đề khiến ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đau đầu nhất. Nói như TS Nguyễn Đình Cung, vấn đề đang “chằng chịt như mạng nhện” và “số văn bản pháp luật về điều này phải cả mét khối”.

29/07/2014 17:43

 

Theo dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh các ngành, nghề mà luật, pháp lệnh và nghị định không cấm

Tại hội thảo ngày 24/7 vừa qua, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nơi chấp  bút dự thảo Luật, đã nhấn mạnh một thay đổi quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất, trong dự thảo so với quy định cũ. Đó là chuyển từ doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh những gì đã đăng ký sang doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm, theo tinh thần Điều 33 Hiến pháp năm 2013.

Nhiều người hẳn còn nhớ câu chuyện cách đây chưa lâu về con gián đất ở Bắc Ninh. Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp phép cho nuôi gián đất, thế nhưng ngành Nông nghiệp lại cho rằng gây nuôi gián đất là việc làm bị nghiêm cấm, đây là loài chưa được phép nuôi ở Việt Nam.

Một doanh nghiệp đã khởi kiện Sở KH&ĐT vì họ đã đầu tư 3 tỷ đồng vào con gián đất, để rồi bị tiêu hủy. Câu chuyện dường như đã lắng xuống, thế nhưng vấn đề mà nó gợi ra thì vẫn còn nguyên tính thời sự. Đó là chủ thể nào có quyền cấm và hạn chế quyền tự do kinh doanh? Và “những gì pháp luật không cấm” bao gồm những gì?

Tước quyền bộ ngành, địa phương?

Trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ông Nguyễn Đình Cung đã đưa ra những hình ảnh so sánh khiến  người ta giật mình: “Ngành nghề kinh doanh và kinh doanh có điều kiện đang chằng chịt như mạng nhện”, “ước tính số văn bản pháp luật về điều này phải cả mét khối”.

Hiện, theo thống kê của ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, có tới 334 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại 235 văn bản pháp luật, gồm 3 hiệp định và nghị định thư, 48 luật, 5 pháp lệnh, 104 nghị định, 111 thông tư và 15 quyết định của các bộ như đã đính kèm trong dự án Luật Doanh nghiệp trình Quốc hội trong kỳ họp vừa qua.

Các quy định này không chỉ nhiều và chằng chịt, có những quy định còn không rõ ràng. Ông Cung lấy ví dụ như việc cấm kinh doanh các sản phẩm văn hóa có hại tới giáo dục thẩm mỹ, nhân cách, các loại trò chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách trẻ em…

Doanh nghiệp không thể yên tâm làm ăn nếu không có những quy định rõ ràng, cụ thể và ổn định về những gì mà “pháp luật không cấm” hoặc đặt điều kiện. Sẽ hết sức rủi ro nếu kinh doanh dựa trên việc “đặt cược” vào cách giải thích, cách hiểu của cơ quan chức năng, mà vụ việc ở Bắc Ninh là một ví dụ.

Một giải pháp được đánh giá là mạnh mẽ đã được đề ra trong dự thảo Luật Doanh nghiệp. Theo đó, quyền cấm kinh doanh và đặt ra điều kiện kinh doanh chỉ thuộc về 3 chủ thể gồm Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.

Dự thảo quy định rõ, doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh các ngành, nghề mà luật, pháp lệnh và nghị định không cấm. Các bộ, ngành, HĐND, UBND các cấp không được quy định ngành, nghề cấm kinh doanh, ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.

Điều đó có nghĩa là những quy định tương tự như quyết định của Bộ NNPTNT về danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh, căn cứ để yêu cầu tiêu hủy số gián đất đã nuôi của doanh nghiệp trong vụ việc trên, sẽ không còn hiệu lực nữa.

Thế nhưng, ngay cả khi quy định này trong Luật được Quốc hội thông qua, thì không phải mọi vấn đề đã xong xuôi.

Chọn luật nào?

Tại hội thảo ngày 24/7 nói trên của CIEM, có ý kiến cho rằng để đem lại được những thay đổi cơ bản cho môi trường kinh doanh ở nước ta, chúng ta vẫn đang phải chờ sự “đổi mới tư duy” của các bộ, ngành trong việc nâng cao chất lượng các quy định về hoạt động kinh doanh trong phạm vi quản lý của từng ngành, lĩnh vực cụ thể…

Cũng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ông Nguyễn Đình Cung cho biết thêm, ngoài các văn bản dưới luật, Luật Doanh nghiệp đang bị “gặm nhấm” bởi 20 luật chuyên ngành. Vấn đề này không dễ giải quyết, bởi khác với các Thông tư, các luật chuyên ngành cũng được ban hành bởi Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Chính vì vậy mà CIEM đề nghị trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng như trong quá trình áp dụng Luật sau này, một khi luật chuyên ngành có nội dung về việc thành lập, quản trị, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp có quy định khác với Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) thì sẽ áp dụng Luật Doanh nghiệp, trừ một số Luật như Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán và Luật Kinh doanh bảo hiểm. Đồng thời, CIEM đề nghị cần thiết phải rà soát các luật chuyên ngành, để bãi bỏ hoặc sửa đổi các quy định trái với Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Ông Cung cho rằng các luật chuyên ngành thực chất là công cụ bảo vệ lợi ích của các bộ, ngành. “Lợi ích” ở đây có lẽ không chỉ là “lợi ích nhóm” cục bộ, tiêu cực. Trong rất nhiều trường hợp, cơ quan quản lý tin rằng những điều kiện kinh doanh mà họ đưa ra là cần thiết, vì lợi ích chung.

Chẳng hạn, Bộ NNPTNT có thể lập luận, nếu cho nuôi gián đất, khi loài này phát tán ra ngoài, chúng có thể phát triển ồ ạt trong tự nhiên và đe dọa cân bằng sinh thái. Ốc bươu vàng là một tiền lệ ai cũng thấy.

Bảo đảm quyền tự do kinh doanh là điều mà cơ quan soạn thảo Luật Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ đem lại một cú hích lớn trong cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, tăng cường và thu hút mọi nguồn lực vào sản xuất kinh doanh. Thế nhưng, dung hòa được giữa nhu cầu quản lý và yêu cầu tự do kinh doanh của doanh nghiệp có lẽ là bài toán không dễ giải của cơ quan quản lý cũng như các nhà làm luật.

Thành Đạt