In bài viết

Quyết liệt đổi mới tư duy hội nhập, hiểu rõ ‘quê ta’ có gì

(Chinhphu.vn) - Trong thời gian tới, phải quyết liệt đổi mới tư duy hội nhập quốc tế. Hội nhập phải đi vào chiều sâu, vừa “tư duy toàn cầu”, vừa phải “hành động địa phương”, hiểu rõ “quê ta” có gì mà đối tác cần, ta cần gì để nâng cao chất lượng và thương hiệu sản phẩm, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp…

12/08/2018 14:35

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Hội nhập quốc tế vừa phải đi vào "tư duy toàn cầu", vừa phải "hành động địa phương", hiểu rõ "quê ta" có gì. Ảnh VGP/Hải Minh
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh điều này tại Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 19, khai mạc sáng nay tại Hà Nội.

Theo Phó Thủ tướng, có những vấn đề hết sức cấp bách, nếu không có giải pháp tháo gỡ, sẽ là những nút thắt, rào cản đối với tiến trình hội nhập quốc tế, không chỉ ngăn cản chúng ta tranh thủ lợi ích của hội nhập, mà còn làm gia tăng nguy cơ tụt hậu xa hơn.

Trước hết, nhận thức, tư duy hội nhập quốc tế tại nhiều nơi chưa sát thực tiễn địa phương và còn thiếu tầm nhìn dài hạn, cách hiểu, cách triển khai giữa các địa phương còn rất khác nhau. Nhiều địa phương thiếu một chiến lược hội nhập quốc tế mang tính dài hạn; hoạt động hội nhập mang tính sự vụ hàng ngày, vẫn còn hình thức.

Một số nơi lúng túng trong việc triển khai những chủ trương, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, cụ thể hóa và lồng ghép vào các nội dung phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tiến trình hội nhập chưa đồng bộ với đổi mới thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh tại địa phương.

Đến nay, mới có 40/63 địa phương đã điều chỉnh Kế hoạch, Chương trình hành động theo Nghị quyết 38 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06 về hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ hai, chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng nhưng chưa tận dụng được hết các cơ hội do hội nhập quốc tế mang lại để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như ứng phó hữu hiệu với các thách thức.

Chúng ta chưa tranh thủ được lợi ích mở rộng thị trường trong khi thách thức mở cửa thị trường, sức ép cạnh tranh ngay trên sân nhà ngày càng lớn.

Phó Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân chính do năng suất, trình độ công nghệ, năng lực quản trị còn thấp, chưa tạo dựng uy tín thương hiệu, trong khi các thị trường xuất khẩu đều nâng yêu cầu chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Còn có tình trạng các địa phương, doanh nghiệp “đói” thông tin về thị trường thế giới, luật pháp quốc tế, môi trường kinh doanh ở nước ngoài. Ngay như các cơ chế của WTO đã được am hiểu và vận dụng đầy đủ chưa, không nhiều địa phương có thể nắm rõ!

Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của các địa phương không đồng đều, dẫn đến việc thụ hưởng lợi ích hội nhập giữa các địa phương cũng có sự chênh lệch, xuất hiện tình trạng cạnh tranh nguồn lực thay vì hợp tác, kết nối.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2016 và 2017 tập trung ở 6 địa phương có trên 10 tỷ USD/năm. Hơn 90% địa phương còn lại chỉ chiếm 30% xuất khẩu, có địa phương là “vùng trắng” về xuất khẩu.

6/63 địa phương có FDI trên 500 triệu USD, chiếm khoảng 90% tổng FDI tại Việt Nam. Như vậy có đến 47 địa phương chỉ chiếm khoảng 10% thu hút đầu tư FDI.

Phó Thủ tướng cho rằng cần nghiêm túc nhìn thẳng vào các khó khăn, yếu kém để có giải pháp khắc phục, cả trước mắt và dài hạn.

Các cán bộ ngoại vụ địa phương và Bộ Ngoại giao phải luôn trăn trở tìm lời giải cho bài toán làm sao để công tác ngoại vụ địa phương phải thực sự tạo ra bước chuyển về chất đối với tiến trình hội nhập quốc tế tại địa phương, phát huy tối đa tiềm năng địa phương, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm của địa phương, góp phần giải quyết hữu hiệu các bài toán phát triển của địa phương trong thời gian tới.

Tình hình quốc tế thời gian tới sẽ còn biến chuyển phức tạp, khó lường, cơ hội đan xen với thách thức, trong đó mặt thách thức có phần gia tăng. Để thực hiện thắng lợi đường lối của Đại hội Đảng XII, các Nghị quyết Đảng bộ tại địa phương nhiệm kỳ 2016 - 2021 về triển khai các nhiệm vụ đối ngoại, công tác đối ngoại, trong đó có đối ngoại địa phương phải hết sức chủ động, linh hoạt, sáng tạo, với một tư duy đổi mới mạnh mẽ, đúng với tinh thần của Hội nghị Ngoại vụ lần này - “Chủ động, sáng tạo, phục vụ hội nhập hiệu quả và phát triển bền vững”.

Đã đến lúc các địa phương phải khắc phục tình trạng "độc lập tác chiến", "chung tay" liên kết hội nhập. Ảnh VGP/Hải Minh

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng cho rằng trong thời gian tới, cần quyết liệt đổi mới tư duy hội nhập quốc tế, hội nhập phải đi vào chiều sâu, vừa “tư duy toàn cầu” để bắt kịp tình hình quốc tế và tốc độ hội nhập quốc tế của nước ta, các lợi ích, cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do đa phương, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vừa phải “hành động địa phương”, hiểu rõ “quê ta” có gì mà đối tác cần, ta cần gì để nâng cao chất lượng và thương hiệu sản phẩm, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển bền vững của địa phương…

Tập trung cao độ để thực hiện tốt công tác hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chính phủ đã có Nghị quyết 38 về thực hiện hội nhập quốc tế, thông qua chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06 của Hội nghị Trung ương 4, khóa XII và đã chỉ đạo các địa phương cần nhanh chóng cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trong kế hoạch công tác hàng năm của mỗi địa phương.

Ngoài việc khai thác lợi thế khác biệt và tiềm năng của mỗi địa phương, phải chăng đã đến lúc các địa phương cần xem xét lại, khắc phục tình trạng mỗi địa phương “tự độc lập tác chiến” để tiến tới cùng “chung tay”, cùng liên kết, phân công và hợp tác với các địa phương khác để phát huy lợi thế của từng vùng trong hợp tác cấp độ địa phương với các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài.

Cần làm tốt công tác thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài.

Những năm qua, ODA và viện trợ phi chính phủ nước ngoài đã tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết các vấn đề xã hội của nước ta.

Tuy nhiên, trong khi nhiều địa phương đang tìm biện pháp tăng huy động vốn thì tại một số địa phương tốc độ giải ngân đầu tư công rất chậm, năm 2018 đã có 14 địa phương bị cắt giảm do không có khả năng giải ngân, đây là sự lãng phí rất lớn.

Song song với các định hướng trên, cần tiếp tục kiện toàn bộ máy làm công tác đối ngoại địa phương đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Các cơ quan ngoại vụ địa phương cần nâng tầm tham gia, đóng góp về công tác nghiên cứu, tham mưu chính sách, phát huy tốt hơn nữa “vai trò đầu mối”, “trái tim hội nhập” tại địa phương trong nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế và kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực thi các cam kết hội nhập quốc tế và khu vực.

Phó Thủ tướng cho rằng “con người” là vấn đề có ý nghĩa then chốt, “giải pháp của giải pháp” đối với tiến trình hội nhập quốc tế của các địa phương. Lãnh đạo địa phương tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa để kiện toàn bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại vụ chuyên nghiệp, có trình độ, tri thức và tinh thông nghiệp vụ trong triển khai công tác đối ngoại tại địa phương.

Những yêu cầu và nhiệm vụ của hội nhập quốc tế đặt ra cho Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 19 ngày càng cao, kỳ vọng đối với đóng góp của công tác ngoại vụ địa phương và các cán bộ mang sứ mệnh trong sự phát triển của địa phương, doanh nghiệp và người dân ngày càng lớn./.

Hải Minh