Năm 2025 đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, đồng thời đặt nền móng cho giai đoạn 2026-2030. Đây cũng là năm diễn ra đại hội đại biểu các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Trong bối cảnh quốc tế, kinh tế toàn cầu được dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều bất ổn như: tăng trưởng chậm lại, căng thẳng địa chính trị như xung đột Nga-Ukraine, tình hình Trung Đông và áp lực lạm phát... Những thách thức này ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ở trong nước, mặc dù kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát và các cân đối lớn đảm bảo, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt, áp lực lạm phát, biến động tỷ giá, thiên tai, dịch bệnh và những vấn đề nội tại như năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh còn hạn chế, tiếp tục ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và NSNN (NSNN).
Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, các chỉ tiêu tài chính - NSNN năm 2025 đã được thông qua gồm: Dự toán thu NSNN đạt 1,97 triệu tỷ đồng, trong đó thu nội địa chiếm 84,8%, thu dầu thô 2,7%, và thu xuất nhập khẩu 11,9%; dự toán chi NSNN là 2,5 triệu tỷ đồng, tập trung vào chi đầu tư phát triển (31%) và chi thường xuyên (60,9%); bội chi ngân sách là 471,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,8% GDP; nợ công được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo các chỉ tiêu trong giới hạn an toàn.
Trên cơ sở này, Chính phủ và Bộ Tài chính xác định các mục tiêu và giải pháp triển khai cụ thể nhằm đạt được kết quả tốt nhất.
Mục tiêu trọng tâm là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô: Chính sách tài khóa sẽ phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Bảo đảm nguồn lực phát triển, tập trung đầu tư cho các công trình trọng điểm quốc gia, phát triển hạ tầng kết nối vùng, nâng cao chất lượng an sinh xã hội và quốc phòng. Tăng cường kỷ luật tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và huy động tối đa nguồn lực xã hội.
Để đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và quản lý thu NSNN, Bộ Tài chính sẽ tăng cường năng lực dự báo: Chủ động ứng phó với biến động kinh tế trong và ngoài nước, xây dựng các kịch bản điều hành linh hoạt, phù hợp; cải thiện môi trường kinh doanh: Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và đầu tư phát triển bền vững.
Bộ Tài chính sẽ quản lý hiệu quả nguồn thu thông qua rà soát chính sách thuế, đảm bảo công bằng, minh bạch và khuyến khích đầu tư; tăng cường quản lý thu từ thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số và các giao dịch xuyên biên giới; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) và tăng cường thu hồi nợ thuế.
Ở chiều ngược lại, Bộ Tài chính sẽ thực hiện hiệu quả chi NSNN và kiểm soát nợ công. Phân bổ chi đầu tư hợp lý, tập trung nguồn lực cho các dự án trọng điểm, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và tháo gỡ vướng mắc về đất đai, giải phóng mặt bằng.
Kiểm soát chi thường xuyên, triệt để tiết kiệm trong các khoản chi không cần thiết, giảm 10% chi thường xuyên để tăng nguồn đầu tư hạ tầng. Kiểm soát bội chi và nợ công, hạn chế vay mới cho chi thường xuyên, đảm bảo trả nợ đúng hạn, quản lý hiệu quả danh mục nợ công, giảm rủi ro tài chính.
Bộ Tài chính sẽ đổi mới quản lý tài chính và thúc đẩy chuyển đổi số, thực hiện cải cách hành chính, đẩy mạnh số hóa trong quản lý thu, chi ngân sách, xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông giữa các ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Bộ Tài chính cũng tinh giản bộ máy, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước gọn nhẹ, nâng cao hiệu quả hoạt động và cải cách tiền lương khu vực công.
Để phát triển thị trường tài chính và quản lý giá cả, Bộ Tài chính sẽ thúc đẩy minh bạch thị trường, quản lý chặt chẽ giá cả các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện; ngăn chặn hành vi tăng giá bất hợp lý. Phát triển bền vững thị trường vốn, tăng cường giám sát phát hành trái phiếu doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Bộ Tài chính sẽ góp phần đổi mới doanh nghiệp nhà nước, tập trung cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực then chốt, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Theo Bộ Tài chính, năm 2025 sẽ là một năm đầy thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam củng cố nền tảng kinh tế vững chắc và bền vững. Việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, địa phương và nỗ lực từ đội ngũ cán bộ ngành tài chính. Với những giải pháp đồng bộ và quyết tâm cao, ngành tài chính sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống người dân.
Anh Minh