In bài viết

Quyết sách đúng tạo nền tảng cho bức tranh kinh tế năm 2023

(Chinhphu.vn) - Nhìn lại một năm 2022 đầy những khó khăn, thách thức nhưng Chính phủ đã “chèo lái con thuyền” một cách chủ động, kịp thời đưa nền kinh tế Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực. Đây cũng là cơ sở vững chắc, tạo nền tảng cho những yếu tố về tài chính, tiền tệ không còn gây tác động bất lợi cho năm 2023.

29/12/2022 08:17

Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển (Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng) về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong năm 2022 và dự báo bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023.

Những quyết sách đúng đắn tạo nền tảng cho bức tranh kinh tế năm 2023 - Ảnh 1.

TS. Đinh Thế Hiển: Chính phủ đã từng bước chủ động giải quyết những khó khăn, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế trong năm 2023 - Ảnh: VGP/Giang Oanh

Chủ động, thận trọng trong chỉ đạo, điều hành

Ông đánh giá như thế nào về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong năm 2022?

TS. Đinh Thế Hiển: Tôi có thể tóm tắt trong 3 điểm, đó là: Điều hành thận trọng; giữ vững được các mục tiêu cân đối lớn, dài hạn và đã chủ động ứng phó tốt với những diễn biến bất ngờ.

Chúng ta thấy rằng, quý I và quý II/2022, nền kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng tốt sau khi chúng ta từng bước mở cửa, tháo gỡ giãn cách từ cuối năm 2021. Điều này cho thấy Chính phủ đã chủ động chuẩn bị cho kinh tế năm 2022 từ giai đoạn quý II, quý III/2021. Trong quý III/2021, khi các doanh nghiệp đang rất khó khăn do ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp xin giãn nợ... thì qua quý I, quý II/2022, tất cả đã được tháo gỡ. Kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp đã có bước phát triển rất tốt, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu.

Bước qua quý III và quý IV/2022, Việt Nam đã gặp phải khó khăn khi ảnh hưởng của suy thoái từ các nền kinh tế thế giới lớn, cụ thể là từ Mỹ, EU và việc Trung Quốc "đóng cửa" nền kinh tế do dịch bệnh. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam vẫn dựa vào động lực của xuất khẩu. Việc gặp khó khăn trong xuất khẩu đã dẫn đến khó khăn trong vấn đề giải quyết việc làm và tiêu dùng trong nước.

Bên cạnh đó, những vấn đề về đầu tư bất động sản của các doanh nghiệp theo hướng tăng quy mô khiến thâm hụt vốn, cùng tình trạng đầu cơ, lướt sóng... đã xuất hiện những nguy cơ dồn vốn quá mức cho thị trường này có thể gây nguy hiểm cho hệ thống các ngân hàng thương mại. 

Tuy nhiên từ tháng 4/2022, Bộ Tài chính đã nhận ra những vấn đề rủi ro từ trái phiếu doanh nghiệp và từ hệ thống cung ứng vốn qua bộ 3 là các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán và công ty bất động sản. Từ đó, Bộ Tài chính đã có những chỉ đạo kịp thời, quản lý, kiểm soát các hoạt động này. Chính phủ và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng có những văn bản chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước giám sát việc cho vay của các ngân hàng thương mại. Do đó, những bất ổn của lãi suất tăng mạnh và khó khăn trong vay vốn xuất hiện trong quý III và quý IV/2022 không phải là do sự điều hành của Chính phủ mà đó là sự cộng dồn những thiếu sót của các ngân hàng thương mại và công ty bất động sản trong nhiều năm...

Đến tháng 11, tháng 12/2022, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, những vấn đề trên đã được kiểm soát. Cụ thể, tỉ giá đã được kiềm chế, đi vào ổn định, tạo ra yên tâm về vĩ mô, đặc biệt là cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến tiền gửi và thanh khoản tại Ngân hàng SCB một cách kịp thời, tạo được ổn định tâm lý cho người dân và cho cả hệ thống các ngân hàng thương mại. 

Về lĩnh vực tài chính doanh nghiệp, Chính phủ và Bộ Tài chính đã kịp thời chấn chỉnh, quản lý, trong đó có yêu cầu sửa đổi Nghị định 65 để từ đó có những giải pháp "mềm" cho trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm cho việc trả nợ, đáo hạn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có không gian, thời gian, có thêm nhiều công cụ để họ bảo đảm được tiến trình kinh doanh và trả nợ cho trái phiếu đã phát hành.

Mặc dù trong quý III/2022, Chính phủ gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, nhưng Chính phủ đã từng bước giải quyết, chủ động xử lý, từ đó tạo nên sự ổn định cho hệ thống, cho thị trường, đặc biệt là tạo nền tảng cho những yếu tố này không còn gây tác động bất lợi cho năm 2023.

Tôi cho rằng trong quá trình phát triển khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Tuy nhiên, khi các vấn đề nảy sinh cùng một lúc và trong lúc khó khăn thì khối lượng công việc của Chính phủ phải xử lý nhiều và nặng nề hơn. Song khi xử lý cũng không có phương án nào là hoàn hảo mà phải lựa chọn phương án tối ưu. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023, điều quan trọng là phải xử lý cho thị trường hoạt động lành mạnh, đúng bản chất, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Dự báo bức tranh "sáng" cho nền kinh tế năm 2023

Ông có dự báo gì về kinh tế của Việt Nam năm 2023?

TS. Đinh Thế Hiển: Năm 2023, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Năm 2023, Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đi xuống và đi ngang trong năm 2024, khoảng trên 6% và dưới 7%. Hay dự báo mới nhất tháng 12/2022 của các tổ chức tài chính thế giới đều nhận định tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam 2023 sẽ giảm dưới 7%, song đây vẫn là mức tăng trưởng tốt so với khu vực ASEAN (4,9%), châu Á-Thái Bình Dương (4,6%) và thế giới (2%). Vừa qua, Quốc hội đã phê duyệt tăng trưởng GDP trong năm 2023 ở mức khoảng 6,5%, cũng gần ngang với các dự báo trên.

Về những khó khăn thách thức mà các tổ chức tài chính thế giới cảnh báo, tôi cho rằng khó khăn đến từ yếu tố bên ngoài chứ không đến từ nội tại của Việt Nam. Trong đó, bên cạnh sự suy giảm tiêu dùng của các nước phát triển, còn một số yếu tố phụ như chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn có thể tác động đến Việt Nam.

Song chúng ta vẫn có những thuận lợi và cơ hội nhất định. Theo quan sát xuyên suốt từ tháng 9 đến tháng 12/2022, tôi thấy Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đang từng bước kiểm soát những khó khăn xuất hiện như lãi suất cao, kẹt tín dụng,... Đây không phải là từ chính sách mà là từ sự bất ổn trong cách sử dụng vốn để từ đó kiểm soát từng bước uyển chuyển, không gây ra các cú sốc như giai đoạn 2011-2012.

Hiện nay các nước đã đang chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam khi chúng ta ổn định kinh tế vĩ mô. Ví dụ Tập đoàn Lego (Đan Mạch) mới đầu tư vào Bình Dương 2 tỷ USD với tầm nhìn 10-20 năm, họ không chỉ đòi hỏi yếu tố hạ tầng mà cũng mong muốn chính sách phải ổn định, khi đó họ mới có thể chuyển dịch nhà máy. Vì vậy, đây là cơ hội chứ không phải rủi ro.

Cùng với đó, trong 3 năm từ 2018-2021, sự chuyển dịch từ Trung Quốc qua các nước Đông Nam Á đã khiến tỉ trọng xuất khẩu của Trung Quốc đang từ 33% sang Mỹ giảm xuống còn 25%. Còn các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, tỉ trọng này đã tăng từ 10-14%. Như vậy, FDI vào Việt Nam là một tiến trình ổn định mặc dù có một vài gián đoạn trong quý I-II, nhưng tiến trình đó vẫn là một cơ hội vì khi FDI vào Việt Nam không chỉ giúp tiêu dùng nội địa tăng, tạo việc làm, mà còn tạo quá trình đô thị hóa, các khu công nghiệp phát triển, gián tiếp giúp bất động sản tạo ra nhiều ngành nghề khác, đồng thời gián tiếp thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa bao gồm nghiệp phụ trợ phát triển.

Về dự báo diễn biến kinh tế năm 2023, tôi cho rằng lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý I và trở về ổn định vào cuối quý II/2023. Các doanh nghiệp sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý II/2023 trở đi. Xuất khẩu có thể giảm trong quý I-II/2023, nhưng sẽ phục hồi và tăng vào quý III.

Như vậy, nền kinh tế nội địa sẽ giảm khó khăn từ quý II/2023 và có sự tăng trưởng tích cực từ quý III nhờ hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ. Đồng thời thị trường bất động sản phục hồi nhẹ từ quý IV/2023, tập trung ở khu vực đô thị lân cận khu công nghiệp và khu vực hạ tầng.

Những yếu tố trên cho thấy đây là một bức tranh sáng cho nền kinh tế Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông./.

Tại Diễn đàn Kinh tế 2023, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, công điện của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, nắm chắc tình hình, lựa chọn công việc ưu tiên vấn đề phù hợp với tình hình; tích cực, chủ động, phản ứng chính sách kịp thời; các Bộ, ngành phải xem công việc của người dân, doanh nghiệp như công việc của mình.
Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác, bảo đảm hiệu quả tổng thể, phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Theo đó, ổn định thị trường ngoại hối, điều hành lãi suất, tỉ giá phù hợp với tình hình và điều kiện thực tiễn. Điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ; bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên, phát huy vai trò nòng cốt của các ngân hàng thương mại nhà nước; bảo đảm cân bằng, hợp lý giữa tỉ giá và lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn; bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, tháo gỡ những nút thắt của dòng vốn trong nền kinh tế.
Về điều hành chính sách tài khóa hợp lý, cần có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả. Theo đó, quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; cải cách thủ tục hành chính thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế…; chú trọng đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh và phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững các loại thị trường, nhất là các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản.
Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường, củng cố quốc phòng an ninh; triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Giang Oanh (thực hiện)