Chiều 19/4, tại Quảng Ngãi, Ủy ban Dân tộc phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I (từ năm 2021 đến năm 2025), với sự tham gia của các đại biểu đến từ các địa phương miền núi 21 tỉnh, thành phố.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hầu A Lềnh, Phó Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc cho biết: Việc phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là đóng góp quan trọng trong công tác dân tộc. Lần đầu tiên Việt Nam có một Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tuy nhiên, đây là Chương trình MTQG mới, được triển khai trên một địa bàn rộng, tập trung vào nhóm đối tượng đặc thù là đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất, địa hình phức tạp và bị chia cắt, dân cư sống thưa thớt, không tập trung, sinh kế còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, nhu cầu nguồn lực đầu tư lớn trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế như hiện nay. Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương thẳng thắn nhìn nhận việc triển khai Chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi cần phải có sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cấp chính quyền địa phương.
Khu vực miền Trung-Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là địa bàn nhiều tiềm năng, lợi thế riêng, thuận lợi cho phát triển trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, nơi đây cũng có địa hình vô cùng phức tạp, với các huyện nghèo 30a, các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn và là nơi sinh sống tập trung của rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
"Uỷ ban Dân tộc cam kết phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương và cơ quan công tác dân tộc tại địa phương, đặc biệt là khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Đông Nam Bộ quyết tâm thực hiện thắng lợi và hoàn thành 100% các mục tiêu đề ra tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ".
Tại hội thảo, đại biểu các tỉnh, thành đã cùng chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm hay trong việc triển khai thực hiện chương trình. Đó là phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; kinh nghiệm trong việc thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo cơ chế đặc thù.
Kinh nghiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện dự án hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; giải pháp thực hiện chính sách và tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; một số vấn đề cần quan tâm để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025…
Bên cạnh chia sẻ kinh nghiệm, các đại biểu cũng đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Cụ thể, một số nội dung của chương trình lần đầu tiên thực hiện, do đó dẫn tới sự lúng túng, chậm trễ trong việc tổng hợp, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện.
Tại hội thảo, ông Hầu A Lềnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã giải đáp các ý kiến góp ý thẳng thắn, kịp thời của các đại biểu.
Thông qua hội thảo này, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành mong muốn các địa phương cùng tư duy, sáng tạo những cách làm mới, những phương pháp hiệu quả để có được những định hướng ban đầu quan trọng cho quá trình thiết kế, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho giai đoạn 2026-2030, đồng thời cam kết sẽ sát cánh cùng các địa phương cùng nỗ lực triển khai thành công Chương trình mục tiêu quốc gia vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống ở địa bàn khó khăn, ông Hầu A Lềnh khẳng định.
Lưu Hương