Hôm nay (10/11), Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công bố bộ sách “1000 năm Âm nhạc Thăng Long-Hà Nội”, đây là kết quả của sự tập hợp, chọn lọc tư liệu âm nhạc cổ truyền và đương đại trên đất Thăng Long - Hà Nội qua chiều dài lịch sử.
Bộ sách cung cấp cho bạn đọc nhiều tư liệu giá trị, nhiều thông tin xác thực về nền âm nhạc cổ truyền và âm nhạc cung đình trong các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Đồng thời, người đọc cũng sẽ tìm thấy những di sản âm nhạc hiện đại như tân nhạc, nhạc giao hưởng thính phòng, âm nhạc cổ truyền cách tân-một sáng tạo của những nghệ sĩ Hà Nội.
![]() |
Lần đầu tiên công bố Tư liệu về tổ ca Trù - Thần tích đền Lỗ Khê trong bộ sách |
Đặc biệt, trong bộ sách này có nhiều tư liệu về âm nhạc Thăng Long - Hà Nội lần đầu tiên được công bố. Bộ sách còn là sự tôn vinh những người làm văn hóa nghệ thuật trong lĩnh vực sáng tạo âm nhạc nhiều thế hệ qua. Đồng thời giới thiệu với bạn bè quốc tế về nền văn hiến Thăng Long Hà Nội.
“Bộ tổng tập âm nhạc 1000 năm Thăng Long -Hà Nội là một sự tri ân, tưởng nhớ, cảm ơn cha ông ta đã để lại di sản âm nhạc hết sức đồ sộ và quý báu. Đồng thời, bộ sách cũng góp phần giới thiệu, phát huy và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Thăng Long cho thế hệ mai sau”, Thứ trưởng Lê Tiến Thọ đã nói như vậy về giá trị tinh thần của bộ sách.
Bộ sách 1000 năm Âm nhạc Thăng Long - Hà Nội gồm 5 quyển (Nhạc vũ cung đình, Ca trù; Nhạc cổ truyền; Nhạc cách tân; Nhạc mới và phần bình luận”. Bộ sách do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ đạo thực hiện; đồng Chủ tịch Hội đồng biên soạn là PGS-NSND Dương Viết Á và PGS-TS Vũ Nhật Thăng.
Quyển 1 nói về Nhạc vũ Cung đình với nhạc vũ cung đình thời Lý-Trần-Lê, tư liệu âm nhạc trong sử ký, văn bia và tư liệu Hán Nôm; ca Trù với tư liệu về tổ ca Trù, các chỉ dẫn về hát trống phách, thể cách âm nhạc.
Quyển 2 là các tư liệu về nhạc cổ truyền với các thể loại nhạc hát ru, đồng dao, hát ví-cò lả, hát trống quân, ngâm thơ, hát xẩm; Nhạc tín ngưỡng với hát dô, chèo tầu, nhạc tế đình, hát văn, nhạc Phật giáo.
Quyển 3 giới thiệu, cung cấp thông tin về nhạc cách tân với phần nhạc hát và cải thiện nhạc cụ. Bao gồm dân ca cách tân; công tác đào tạo nhạc cụ cổ truyền cách tân, nhạc đàn, sáng tác khí nhạc cổ truyền cách tân.
Quyển 4 là phần nhạc mới với các ca khúc về Hà Nội từ những ngày đầu tân nhạc đến ca khúc về Hà Nội ở các vùng kháng chiến, tạm chiếm, trong chiến tranh chống Mỹ, thời hậu chiến và thời kỳ đổi mới. Ngoài ra còn phần giới thiệu về nhạc thính phòng-giao hưởng-hợp xướng với chủ đề “Hà Nội của những tác phẩm lớn hơn ca khúc”.
Cuối cùng, quyển 5 là phần bình luận của Giáo sư Dương Viết Á, nhà văn Thụy Kha về nhạc cổ truyền với các văn nhân, nghệ nhân; về nhạc mới với các tác phẩm, nghệ sĩ trình diễn.
Nguyệt Hà