Ở đâu có hoạt động RPBM, ở đó phải có cán bộ kiểm tra, giám sát. |
Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 121, kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về RPBM, vật nổ, nhằm quy định cụ thể về việc bảo đảm an toàn trong RPBM. Vì rà phá bom mìn (RPBM) là nhiệm vụ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao.Thông tư số 121 yêu cầu nghiêm ngặt các tổ chức khi tiến hành RPBM phải áp dụng đầy đủ những quy định kỹ thuật về an toàn. Các quy định cụ thể bao gồm: Yêu cầu về nhân lực; yêu cầu về trang thiết bị. Đặc biệt về yêu cầu về tổ chức thực hiện.
Lực lượng làm công tác dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ phải là lực lượng chuyên trách, được đào tạo cơ bản, có chứng chỉ chuyên môn và được kiểm tra sức khỏe theo quy định.
Chỉ huy các tổ chức thi công RPBM, chỉ huy công trường, đội trưởng, cán bộ chuyên trách về an toàn, nhân viên kỹ thuật phải thực hiện đầy đủ các nguyên tắc, quy tắc quy định về công tác an toàn.
Thông tư số 121 cũng quy định Tổ chức RPBM khi thi công phải có đầy đủ trang thiết bị dò tìm và xử lý bom mìn, vật nổ, trang bị bảo đảm an toàn cho người và thiết bị, xe cứu thương, xe vận chuyển người, trang bị, xe vận chuyển bom mìn, chở vật nổ đi hủy và hệ thống thông tin liên lạc...
Việc bảo đảm an toàn được thực hiện từ khi đơn vị, tổ chức khảo sát lập phương án kỹ thuật thi công dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ; lập phương án tổ chức thi công và kế hoạch thi công; triển khai lực lượng RPBM đến khi thực hiện hủy nổ bom mìn đều phải tuân thủ các quy trình, quy định, quy tắc an toàn.
Điều cần thường xuyên lưu ý là các đơn vị, tổ chức khi thi công RPBM trên các công trình, dự án phải có giấy phép hành nghề được cơ quan có thẩm quyền cấp, có đủ điều kiện năng lực, nhân sự và các trang thiết bị cần thiết cho công tác RPBM; có hợp đồng với chủ đầu tư về việc RPBM thông qua lựa chọn theo quy định hiện hành (đấu thầu hoặc chỉ định thầu); phải có phương án kỹ thuật thi công dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có kế hoạch và tiến độ thi công chi tiết được cơ quan cấp trên trực tiếp phê duyệt; có các biện pháp, tổ chức thực hiện, tổ chức theo dõi giám sát bảo đảm an toàn trong quá trình thi công.
Việc RPBM trên cạn và dưới nước có những yêu cầu riêng, tổ chức, cá nhân khi tiến hành đều phải nắm vững và thực hiện nghiêm túc, không chủ quan, đơn giản, làm sai quy định, nguyên tắc... dẫn đến mất an toàn.
Việc RPBM cần coi trọng công tác kiểm tra, bảo đảm an toàn đối với các đơn vị, tổ chức RPBM, kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, phòng ngừa nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra, gây hậu quả khó lường.
Trần Văn (theo Bomicen )