In bài viết

Rà soát các cơ chế, chính sách liên quan đến cạnh tranh

(Chinhphu.vn) – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Công Thương chỉ đạo cơ quan quản lý cạnh tranh có trách nhiệm rà soát các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến cạnh tranh, phát hiện những quy định chưa phù hợp với quy định, nguyên tắc của Luật Cạnh tranh, còn dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh để kịp thời báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

21/04/2014 15:30

Đồng thời chủ động nắm tình hình, tăng cường kiểm tra, giám sát các hành vi hạn chế cạnh tranh, kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng cũng giao Hội đồng Cạnh tranh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định để triển khai toàn diện các mặt công tác, nhất là xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc cạnh tranh theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 05/2006/NĐ-CP về thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Cạnh tranh theo quy định tại Chương trình công tác của Chính phủ năm 2014.

Cạnh tranh được thừa nhận là yếu tố đảm bảo duy trì tính năng động và hiệu quả của nền kinh tế. Trong bối cảnh hiện tại của nền kinh tế Việt Nam, cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng đóng vai trò trụ cột, đảm bảo sự vận hành hiệu quả của cơ chế thị trường. Trong nỗ lực tạo lập môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, ngày 3/12/2004, Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 và Luật này đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2005.

Với 6 chương, 123 Điều, Luật Cạnh tranh được ban hành nhằm kiểm soát các hành vi gây hạn chế cạnh tranh hoặc các hành vi có thể dẫn đến việc gây hạn chế cạnh tranh, đặc biệt khi mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế; bảo vệ quyền kinh doanh chính đáng của các doanh nghiệp, chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tạo lập và duy trì một môi trường kinh doanh bình đẳng.

Phan Hiển