Ảnh minh họa |
Cụ thể, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục thực hiện việc kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nhân lực có tay nghề cao; rà soát và hoàn thiện các cơ chế, chính sách về giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nhân lực có tay nghề cao.
Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc tổ chức thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư, trong những năm qua, công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao ở nước ta đã có bước phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu về nhân lực, góp phần vào sự nghiệp phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, chất lượng đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, nhất là đối với các lĩnh vực ngành nghề đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao. Năng lực, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý chưa đạt yêu cầu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, thực hành nghề nghiệp còn thiếu, lạc hậu; hệ thống chương trình, giáo trình chậm đổi mới, cập nhật.
Nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về đào tạo nhân lực có tay nghề cao; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đào tạo nhân lực có tay nghề cao; Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ chương trình, nội dung đào tạo; Tăng cường xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đào tạo; Đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đa dạng hóa nguồn lực đào tạo nhân lực có tay nghề cao; Chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế.
Phan Hiển