Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản đôn đốc thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về việc bảo đảm an toàn, di dời các hộ dân ra khỏi nhà chung cư cũ nguy hiểm, nhất là trong mùa mưa bão.
Cụ thể, UBND thành phố yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các quận: Ba Đình, Đống Đa khẩn trương báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố tại Thông báo số 461/TB-VP (ngày 6/10/2020); khẩn trương thực hiện dứt điểm việc tạm cư, di dời các hộ dân ra khỏi chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D trên địa bàn.
UBND thành phố cũng giao Chủ tịch UBND các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Tây Hồ khẩn trương rà soát hiện trạng các nhà chung cư cũ nguy hiểm trên địa bàn; có trách nhiệm và biện pháp bảo đảm an toàn cho công trình và người dân trong mùa mưa bão.
Theo thống kê, Hà Nội hiện có hơn 1.500 chung cư cũ có quy mô từ 2 - 5 tầng. Qua hơn nửa thế kỷ, tất cả các chung cư này đều đã hết niên hạn sử dụng. Trong số đó, có tới 104 chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng. Thậm chí, có hàng chục công trình đã xuống cấp ở mức độ D - mức độ nguy hiểm cao nhất đối với công trình nhà ở.
Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện cũng có gần 500 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, hầu hết đều xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, triển khai chương trình cải tạo chung cư cũ, từ năm 2016 đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã sửa chữa, cải tạo được 132 chung cư trong tổng số 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975. Trước đó, thành phố đã hoàn tất kiểm tra, rà soát, phân loại và kiểm định chất lượng đối với số chung cư cũ này. Kết quả có 15 chung cư cấp D (hư hỏng nặng, nguy hiểm, có thể sập bất cứ lúc nào), 115 chung cư cấp C, 332 chung cư cấp B.
Hiện nay, nhiều nhà chung cư cũ trên địa bàn TP. Cẩm Phả (Quảng Ninh) cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, được cảnh báo ở mức độ nguy hiểm cấp D.
Theo thống kê, trên địa bàn TP. Cẩm Phả hiện còn 21 nhà chung cư cũ, cao từ 2-5 tầng, tập trung ở các phường Cẩm Thủy, Cẩm Thành, Cẩm Tây và Cửa Ông. Trong số này, thành phố đã thanh lý 18 nhà chung cư cho các hộ dân. Do đều được xây dựng cách đây vài chục năm, lại thêm việc người dân tự ý cơi nới, sửa chữa, làm biến dạng kết cấu ban đầu, đến nay các chung cư, nhà tập thể đã xuống cấp nghiêm trọng.
Trước những kiến nghị, phản ánh của người dân liên quan đến tình trạng xuống cấp của các nhà chung cư, ngày 17/10/2019, Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND TP. Cẩm Phả khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng, hoặc tổ chức kiểm định chất lượng (nếu cần thiết) các chung cư cũ trên địa bàn. Trên cơ sở đó, đề xuất báo cáo UBND tỉnh việc di dời để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của các hộ dân tại những nhà chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Kiều Hưng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Cẩm Phả cho biết, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, thành phố đã thuê đơn vị tư vấn độc lập tiến hành rà soát, kiểm định toàn bộ nhà chung cư trên địa bàn.
Bộ Xây dựng cho biết, cả nước hiện có hơn 2.500 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1994, trong đó 25% thuộc diện hư hỏng, nguy hiểm. Thế nhưng gần 10 năm qua, tỷ lệ nhà chung cư được cải tạo, sửa chữa lại chưa đến 3%. Trước thực trạng đó, mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù nhằm gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Theo Bộ Xây dựng, một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do số lượng nhà chung cư cũ trên địa bàn lớn, tình trạng sở hữu, sử dụng đa dạng thuộc nhiều cơ quan, đơn vị quản lý dẫn đến khó tiếp cận, kiểm đếm, rà soát chất lượng trong thời gian ngắn; chậm xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư…
Để giải quyết vướng mắc trong việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Bộ Xây dựng đã đề xuất bổ sung chính sách nhằm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan đến hoạt động cải tạo chung cư cũ. Hai địa phương là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được đề xuất chọn thí điểm cơ chế đặc thù.
Vũ Phương Nhi