Tại cuộc họp, UBND TPHCM và các địa phương đã báo cáo sơ bộ hoàn thiện dự thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường vành đai 3.
Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, UBND TPHCM đã khẩn trương chỉ đạo rà soát, cung cấp khái toán chi phí giải phóng mặt bằng của dự án trên địa bàn quản lý theo quy mô quy hoạch (mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh 8 làn xe).
TPHCM phối hợp với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An rà soát các nội dung: Quy mô đầu tư, khái toán chi phí GPMB trên địa bàn các địa phương, khả năng cân đối, bố trí nguồn vốn địa phương tham gia thực hiện dự án, đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án...
TPHCM đã thành lập Tổ công tác Dự án đầu tư xây dựng các đường vành đai 3, vành đai 4 và thành lập Hội đồng thẩm định nội bộ thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường vành đai 3 TPHCM.
UBND TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đã cam kết thực hiện cân đối, bố trí các nguồn vốn của địa phương để đầu tư xây dựng đường vành đai 3, chiều dài dự kiến hơn 91 km. Theo các ý kiến, đây là sự cố gắng, nỗ lực lớn của các địa phương sau khi bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 trong năm vừa qua.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, quyết tâm đến 28/1/2022, hoàn thiện hồ sơ và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự án đường vành đai 3.
Rà soát kỹ, cắt giảm nhiều hơn nữa chi phí đầu tư
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao nỗ lực của TPHCM, các địa phương, bộ, ngành liên quan, đã vào cuộc với tinh thần tích cực, đã thành lập tổ công tác rà soát dự toán chi phí, các hạng mục quan trọng. "Chính phủ mong muốn đẩy nhanh công tác chuẩn bị để khẩn trương báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về nguồn lực, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác, các địa phương rà soát thật kỹ, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, thiết thực, với tinh thần "coi đầu tư bằng tiền của chính mình bỏ ra".
Cần tính toán thật kỹ lưỡng, tinh thần chung là phải rà soát để tiết giảm nhiều hơn nữa chi phí đầu tư. Theo đó, phải rà soát lại các tiêu chuẩn kỹ thuật, phạm vi đầu tư; diện tích, đơn giá GPMB; quy mô một số hạng mục công trình. "Kinh nghiệm là phải tính toán "sát", bởi khi đã đưa vào dự toán thì sẽ khó huy động nguồn lực và cũng không giải ngân được".
Nhấn mạnh Trung ương, Chính phủ đặc biệt quan tâm đầu tư các tuyến vành đai TP. HCM và Hà Nội nhằm tạo ra động lực mới cho phát triển, Phó Thủ tướng nêu rõ, triển khai nhanh nhưng phải bảo đảm chặt chẽ về thủ tục pháp lý. Phải bảo đảm chất lượng và chi phí đầu tư tối ưu nhất. "Tư vấn, chủ đầu tư cần phải bàn kỹ, tránh đầu tư lãng phí, tránh làm ẩu". Bộ GTVT, Tư vấn phải nêu cao trách nhiệm, không áp dụng cứng nhắc các tiêu chuẩn, quy chuẩn mà không phù hợp với thực tiễn.
Làm việc xuyên Tết, trình Chính phủ trước 5/2
Về tiến độ, UBND TP. HCM và các bộ, ngành, địa phương liên quan phải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ để thẩm định vào ngày 5/2, báo cáo xin chủ trương Bộ Chính trị vào đầu tháng 3/2022, trình Quốc hội vào ngày 20/3. "Các đồng chí phải làm việc ngày đêm, làm việc xuyên Tết để đảm bảo chất lượng và tiến độ hồ sơ", Phó Thủ tướng nói.
Về cơ chế đặc thù, Phó Thủ tướng nhất trí theo hướng áp dụng cơ chế tương tự như các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được Quốc hội thông qua.
"TP. HCM, các địa phương, các Bộ, ngành, tư vấn phát huy trách nhiệm để thẩm định, đảm bảo chất lượng trình", Phó Thủ tướng lưu ý.
Đức Tuân