Ngày 4/10, Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học quốc gia khu vực miền Bắc với chủ đề: “Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn tiếp theo”.
Hội thảo có sự góp mặt của các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia, và đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh thuộc địa bàn Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” khu vực miền Bắc.
Dự án 8 là một trong 10 dự án thành phần thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Sau gần 3 năm triển khai, Dự án 8 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận tại 40 tỉnh được cấp ngân sách Trung ương và 11 tỉnh tự chủ ngân sách. Các hoạt động của dự án tập trung vào việc tuyên truyền, vận động thay đổi định kiến giới, xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, triển khai các chương trình đào tạo và trang bị kiến thức về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị và cộng đồng.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền khẳng định những kết quả đáng ghi nhận từ Dự án 8, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Học viện Phụ nữ Việt Nam trong việc thực hiện các hoạt động nghiên cứu, tập huấn, và tổ chức hội thảo khoa học.
Trong đề dẫn hội thảo, PGS.TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thảo luận các nghiên cứu khoa học và tìm ra các giải pháp thực tiễn để nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số miền Bắc. PGS.TS Trần Quang Tiến kỳ vọng hội thảo sẽ trở thành cầu nối cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và những người làm công tác thực tiễn để tìm ra hướng phát triển cho giai đoạn tiếp theo của Dự án 8.
Hội thảo nhận được 70 bài viết và trải qua quá trình chọn lọc, phản biện độc lập, ban tổ chức đã chọn lựa được 33 bài viết giới thiệu trong kỷ yếu hội thảo.
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu, nhà khoa học đã nêu nhiều ý kiến nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, phân tích hiệu quả quá trình vận hành Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” ở một số địa phương…
Nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới. Đồng thời, quan tâm đào tạo nâng cao năng lực cho phụ nữ dân tộc thiểu số; mở rộng và đẩy mạnh công tác giáo dục về bình đẳng giới trong gia đình, nhà trường, cộng đồng, thúc đẩy sự tham gia của trẻ em, thu hút sự tham gia của nam giới, trẻ em trai trong thực hiện bình đẳng giới…
Đặc biệt, chú trọng truyền thông trên nền tảng số kết hợp truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, phát hành các sản phẩm truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới phù hợp với từng địa bàn, đối tượng cụ thể. Cùng với đó là tăng cường lồng ghép giới trong xây dựng các Luật có liên quan, giám sát chấp hành chính sách pháp luật trong thực thi luật liên quan đến quyền lợi chính đáng đối với phụ nữ và trẻ em.
Sau khi lắng nghe các chuyên đề được chia sẻ, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận nhằm xác định các vấn đề khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong những vấn đề cấp thiết.
Thứ nhất, sinh kế và việc làm, với những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay và phát triển các tổ hợp tác, nhóm sinh kế; Áp lực giới truyền thống đối với phụ nữ dân tộc thiểu số, cùng với đó là thách thức khi phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa và nông sản OCOP; Thiếu sự hỗ trợ hiệu quả từ các dịch vụ việc làm và khởi nghiệp cho phụ nữ dân tộc thiểu số.
Thứ hai, giáo dục và sức khỏe: Tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số bỏ học/thôi học sớm đang ở mức cao, và việc định hướng giáo dục nghề nghiệp cho các em còn nhiều hạn chế; Sự tiếp cận các dịch vụ y tế, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe vị thành niên, còn gặp nhiều khó khăn; Tình trạng tử vong của bà mẹ và trẻ em ở các vùng dân tộc thiểu số vẫn ở mức cao, cần có các giải pháp cải thiện.
Thứ ba, hôn nhân và gia đình, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết còn phổ biến, gây ra nhiều hệ lụy xã hội nghiêm trọng; Vấn đề bạo lực gia đình cũng là một mối lo ngại, với sự thiếu can thiệp và hỗ trợ pháp lý kịp thời.
Thứ tư, vấn đề phụ nữ tham chính và chính sách pháp luật: Sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số vào các vị trí lãnh đạo, quản lý tại địa phương còn thấp, và tiếng nói của họ trong các cuộc họp tại địa phương chưa được lắng nghe đầy đủ; Cần nâng cao nhận thức về pháp luật, đặc biệt trong việc vận dụng các chính sách xóa đói giảm nghèo.
Cuối cùng là câu chuyện về công nghệ thông tin và hạ tầng: Thực trạng thiếu tiếp cận và khó khăn trong việc sử dụng công nghệ thông tin cũng là một rào cản lớn đối với phụ nữ dân tộc thiểu số, đặc biệt là trong việc tiếp cận thông tin và phát triển kinh tế số.
Hội thảo kết thúc với nhiều ý kiến đóng góp thiết thực từ các nhà khoa học, chuyên gia và đại diện các địa phương, nhằm đưa ra các giải pháp và khuyến nghị cụ thể cho giai đoạn tiếp theo của Dự án 8. Các đề xuất xoay quanh việc tăng cường đào tạo, hỗ trợ sinh kế, cải thiện chính sách, và xây dựng các mô hình phát triển phù hợp với đặc thù của từng vùng miền, nhằm đảm bảo cuộc sống tốt đẹp hơn cho phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Phương Liên