In bài viết

Rác Đa Phước bị phạt gần 1,6 tỷ; Hà Nội không chặt 4.000 cây xanh

(Chinhphu.vn) - Đơn vị xử lý môi trường tại bãi rác Đa Phước (TPHCM) vừa bị phạt hơn 1,5 tỷ đồng vì 5 vi phạm trong vận hành. Trong khi đó, TP. Hà Nội cho biết không có chủ trương chặt hạ, thay thế 4.000 cây xà cừ trên địa bàn.

09/06/2017 19:27

Hình ảnh bãi rác Đa Phước, TPHCM từ trên cao. Ảnh: DDK

Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa ra Quyết định số 121/QĐ-XPVPHC về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.

Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam có địa chỉ tại số 42 Lý Văn Phức, phường Tân Định, Quận 1, TPHCM với lĩnh vực hoạt động chính là thu gom, chôn lấp, xử lý và tái chế các loại chất thải rắn sinh hoạt. Địa điểm thực hiện dự án tại Quốc lộ 50, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM.

Công ty này đã bị xử phạt vì 5 hành vi vi phạm với tổng số tiền phạt là 1.585 triệu đồng (gần 1,6 tỷ đồng). Cụ thể, 5 hành vi gồm không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định; không thực hiện một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo cáo đánh giá tác động môi trường; không có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 1.200 m3/ngày (24 giờ); xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 3 lần trong trường hợp thời lượng nước thải từ 2.000 m3/ngàv (24 giờ) đến dưới 2.500 m3/ngày (24 giờ).

Ngoài ra, Công ty phải báo cáo kế hoạch khắc phục xong các hậu quả vi phạm nêu trên về Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, Tổng cục Môi trường trước ngày 30/6/2017 để kiểm tra, giám sát việc thực hiện; hoàn thành việc khắc phục các hậu quả vi phạm và báo cáo kết quả thực hiện về hai đơn vị nêu trên trước ngày 31/8/2017 để kiểm tra, giám sát và xác nhận hoàn thành theo quy định.

Cũng theo quyết định này, Công ty trên phải nghiêm chỉnh chấp hành Quyết định xử phạt, nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.

Hàng cây xanh cổ thụ trên đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội. Ảnh: Báo Thanh niên

Trong khi đó, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội được TTXVN dẫn lời đã lý giải về một số thông tin cho rằng Thành phố có kế hoạch thay thế, chặt hạ khoảng 4.000 cây xà cừ với lý do cong, vẹo, u bướu, không đúng chủng loại cây đô thị, rễ ít, nhiều nguy cơ gây gãy đổ... Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định Thành phố không có chủ trương về chặt hạ, thay thế 4.000 cây xà cừ trên địa bàn và cho biết quan điểm của thành phố Hà Nội là khi xây dựng dự án tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước.

Trong trường hợp bắt buộc phải dịch chuyển, giải tỏa cây xanh nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án phải được tính toán chặt chẽ, chọn phương án tối ưu với ưu tiên hàng đầu là bảo tồn, di chuyển dù có phát sinh chi phí. Tuy nhiên, với trường hợp không thể dịch chuyển mới thực hiện giải tỏa hoặc chặt hạ.

Với thông tin thực hiện dự án đường Phạm Văn Đồng vành đai 3 đoạn Mai Dịch-Cầu Thăng Long, phải giải tỏa 1.015 cây các loại, ông Lê Văn Dục cho biết đây là vấn đề nhạy cảm cần được tính toán kỹ. Vì vậy, Sở Xây dựng đã họp lấy ý kiến các chuyên gia, hiệp hội, các sở, ngành liên quan về việc chặt hạ, dịch chuyển cây.

"Đến thời điểm này, số liệu dịch chuyển, giải tỏa cây xanh trên tuyến đường đến nay mới là theo phương án đề xuất của đơn vị tư vấn và chủ đầu tư dự án đưa ra", ông Dục nói.

Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết thêm, trong 5 tháng đầu năm, Thành phố đã trồng thêm 300.000 cây xanh, trong đó có 35.000 cây xanh có đường kính lớn.

Thành phố cắt tỉa 50.000 cây để bảo đảm cảnh quan, an toàn giao thông, phòng chống mưa bão. Hiện Thành phố Hà Nội đang tập trung trong trồng mới cây xanh, phấn đấu đến năm 2020 sẽ trồng mới 1 triệu cây xanh, đưa tỉ lệ cây xanh bình quân đầu người lên 10 m2/người (năm 2015 là 7,18 m2/người).

T. Minh