In bài viết

RMIT tự hào góp phần phát triển kinh tế tri thức tại Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Giáo sư Claire Macken, Tổng Giám đốc RMIT Việt Nam bày tỏ, năm 2023 đánh dấu tròn 5 thập kỷ từ khi Australia và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao. Suốt gần một nửa hành trình 50 năm hợp tác đó, Đại học RMIT tự hào là nhà đầu tư tiêu biểu của Australia tại Việt Nam, góp phần phát triển nền kinh tế tri thức và làm cầu nối cho các mối liên kết ngoại giao nhân dân.

04/03/2024 17:25
RMIT tự hào góp phần phát triển kinh tế tri thức tại Việt Nam- Ảnh 1.

Giáo sư Claire Macken, Tổng Giám đốc RMIT Việt Nam, bày tỏ Đại học RMIT tự hào là nhà đầu tư tiêu biểu của Australia tại Việt Nam, góp phần phát triển nền kinh tế tri thức và làm cầu nối cho các mối liên kết ngoại giao nhân dân - Ảnh: VGP

Là trường đại học đầu tiên được Chính phủ mời đến thành lập đại học quốc tế tại Việt Nam, sau hơn 20 năm thành lập, Đại học RMIT Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho giáo dục Việt Nam cũng như cho mối quan hệ giữa hai nước. Xung quanh câu chuyện này, phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Claire Macken, Tổng Giám đốc RMIT Việt Nam, về những thành tựu của nhà trường cũng như định hướng phát triển trong thời gian tới.

Xin bà khái quát những thành tựu đạt được sau hơn 20 năm thành lập RMIT Việt Nam?

Giáo sư Claire Macken: Đó là một hành trình đầy thú vị và trọn vẹn. Ở đây, tôi muốn tập trung vào năm 2023 - một năm rất đáng nhớ của nhà trường với nhiều cột mốc quan trọng. Chúng tôi giới thiệu văn bản Cam kết hành động của Đại học RMIT tại Việt Nam nhằm thể hiện rõ các sáng kiến chiến lược và cam kết lâu dài đối với sự phát triển của Việt Nam. Tài liệu toàn diện này được đăng tải trên trang web của RMIT Việt Nam, lý giải các bước mà RMIT sẽ thực hiện trong những năm tới để hoàn thành những lời hứa và trách nhiệm đối với xã hội của nhà trường.

Một sự kiện đáng chú ý trong năm 2023 là chuyến viếng thăm của Thủ tướng Australia đến cơ sở tại Hà Nội của chúng tôi, thể hiện mối quan hệ sâu sắc giữa Australia và Việt Nam sau 50 năm thiết lập quan hệ song phương. Trong chuyến thăm đó, chúng tôi tự hào công bố quỹ đầu tư chiến lược RMIT sẽ dùng để đầu tư vào hoạt động giáo dục, nghiên cứu, hợp tác và phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Quỹ đầu tư nói trên đã tài trợ thực hiện sáng kiến Thử thách đổi mới chiến lược của RMIT Việt Nam. Trong chương trình này, cán bộ giảng viên RMIT Việt Nam được mời nộp các đề xuất tài trợ thực hiện các dự án sáng tạo và hợp tác nhằm tạo tác động thật sự lên những cộng đồng mà chúng tôi đang hoạt động.

Cũng trong năm 2023, nhà trường mừng sinh nhật lần thứ 5 của Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam do RMIT chủ trì; chào đón siêu sao ca nhạc toàn cầu Dean Lewis đến trường biểu diễn độc quyền cho cộng đồng RMIT. Nhà trường cũng tham gia nhiều hoạt động thúc đẩy bền vững và dự án nghiên cứu. Những sáng kiến này mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho các sinh viên, nâng cao nhận thức và hành động tương ứng với tầm nhìn của RMIT Việt Nam.

RMIT tự hào góp phần phát triển kinh tế tri thức tại Việt Nam- Ảnh 2.

Sinh viên RMIT chào đón Thủ tướng Australia Anthony Albanese đến thăm cơ sở tại Hà Nội vào ngày 3/6/2023

Là trường đại học đầu tiên được Chính phủ mời đến thành lập đại học quốc tế tại Việt Nam, xin bà cho biết những đóng góp của RMIT Việt Nam cho hợp tác giáo dục-đào tạo giữa hai nước Việt Nam và Australia?

Giáo sư Claire Macken: Năm 2023 đánh dấu tròn 5 thập kỷ từ khi Australia và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao. Suốt gần một nửa hành trình 50 năm hợp tác đó, Đại học RMIT tự hào là nhà đầu tư tiêu biểu của Australia tại Việt Nam, góp phần phát triển nền kinh tế tri thức và làm cầu nối cho các mối liên kết ngoại giao nhân dân.

RMIT được Chính phủ Việt Nam mời đến thành lập đại học có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1998, thời điểm giáo dục đang dần trở thành ưu tiên hàng đầu của đất nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập kinh tế toàn cầu.

RMIT Việt Nam chính thức mở cơ sở tại TPHCM vào năm 2000 và khai giảng lớp học đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2004, tiếp đến là mở trung tâm đào tạo ngoại ngữ tại Đà Nẵng vào năm 2018. Quy mô hoạt động của nhà trường ở Việt Nam hiện đã mở rộng lên 4 khoa với các chương trình giảng dạy từ bậc dự bị đại học đến cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.

Ngay từ ngày đầu thành lập, RMIT đã mong muốn đem đến đóng góp ý nghĩa cho Việt Nam, đặc biệt thông qua giáo dục để định hình con đường phát triển cho những người trẻ tuổi nơi đây. Với hơn 12.000 sinh viên đang theo học tại trường và 20.000 cựu sinh viên đã tốt nghiệp trong hơn 24 năm qua, tôi tin rằng tác động của RMIT tại Việt Nam có ý nghĩa dài lâu.

Mỗi sinh viên tốt nghiệp từ RMIT Việt Nam với tấm bằng được Australia công nhận đều đang góp phần gắn kết hai đất nước chúng ta với nhau. Nhìn lại những mối quan hệ và tình bằng hữu bền chặt mà chúng tôi đã và đang xây dựng được qua nhiều năm giảng dạy sinh viên Việt Nam tại Australia và ngay tại đất nước xinh đẹp của các bạn, RMIT tự hào là một phần của nền giáo dục, hệ sinh thái các doanh nghiệp và cộng đồng rộng lớn hơn nơi đây.

RMIT tự hào góp phần phát triển kinh tế tri thức tại Việt Nam- Ảnh 3.

Một buổi lễ trao học bổng toàn phần cho các sinh viên của nhà trường năm 2023 - Ảnh: RMIT Việt Nam

Trong thời gian tới, RMIT Việt Nam có kế hoạch gì nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, phát huy thế mạnh của trường cũng như đóng góp cho việc thúc đẩy mối quan hệ giáo dục-đào tạo giữa 2 nước Việt Nam, Australia?

Giáo sư Claire Macken: RMIT đã hoạt động ở Việt Nam gần 25 năm. Được là một phần của Việt Nam vừa là cơ hội, vừa là một đặc ân với chúng tôi và RMIT đảm nhận vai trò ấy một cách hết sức nghiêm túc và đầy tự hào.

Nhìn về phía trước, chúng tôi sẽ luôn kiên định thực hiện cam kết của trường, tập trung vào các chương trình giảng dạy, nghiên cứu và gắn kết cộng đồng trong những lĩnh vực có khả năng tạo sự khác biệt trong cộng đồng mà chúng tôi phục vụ, đặc biệt là trong 4 trụ cột chiến lược của trường bao gồm công nghệ mới nổi, thành phố thông minh và bền vững, đổi mới xã hội và hợp tác khu vực.

Công nghệ mới nổi là điểm quan trọng trong tầm nhìn của chúng tôi vì chúng tôi muốn đóng góp nâng cao khả năng công nghệ cho Việt Nam và tương lai của chuyển đổi số.

Thành phố thông minh và bền vững đóng vai trò quan trọng trong phát triển tương lai của Việt Nam. Chúng tôi sẽ thiết kết các hoạt động gắn liền với mục tiêu của Việt Nam trong nâng cao tính cạnh tranh kinh tế, phát triển kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông minh và kinh tế số.

Đổi mới xã hội là điểm tập trung tiếp theo, nhấn mạnh vai trò của RMIT trong nuôi dưỡng nhân tài, kiến thức và sự gắn kết cần thiết liên quan đến văn hóa, sáng tạo và xã hội.

Cuối cùng, hợp tác khu vực đóng vai trò rất quan trọng với chúng tôi. Đặc biệt, chúng tôi sẽ đẩy mạnh quan hệ Australia-Việt Nam, phát triển chính sách, bảo đảm chất lượng giáo dục, an ninh biên giới và quốc phòng.

Bốn trụ cột nêu trên đều nhằm phục vụ chiến lược toàn cầu của RMIT từ 2022-2031 mang tên Biến tri thức thành hành động. Các lĩnh vực này cũng giúp phát huy thế mạnh của chúng tôi tốt nhất nhằm đáp ứng nhu cầu của Việt Nam và khu vực.

RMIT tự hào góp phần phát triển kinh tế tri thức tại Việt Nam- Ảnh 4.

Một phiên tọa đàm trong khuôn khổ hội thảo Di sản tương lai tại TPHCM, diễn ra trong Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam 2023

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đang có chuyến thăm chính thức Australia. Bà kỳ vọng gì vào chuyến thăm này cho hoạt động của RMIT Việt Nam nói riêng và cho hợp tác giáo dục giữa hai nước Việt Nam-Australia nói chung?

Giáo sư Claire Macken: Với việc Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN-Australia diễn ra tại thành phố Melbourne, chúng tôi vinh dự được đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm cơ sở lớn nhất và quan trọng nhất của Đại học RMIT nằm ngay trung tâm thành phố Melbourne. Đây chính là mô hình mà chúng tôi dựa vào để xây dựng cơ sở tại Hà Nội - vị trí trung tâm, gần với các công ty tổ chức và chính phủ.

Ngài Thủ tướng sẽ có dịp chứng kiến tận mắt cam kết sâu sắc của RMIT trong việc hỗ trợ sự thịnh vượng kinh tế của Việt Nam, không chỉ thông qua hoạt động giáo dục và năng lực nghiên cứu, mà còn qua các sáng kiến chiến lược quan trọng như Trung tâm đổi mới thương mại châu Á của Đại học RMIT và qua vai trò đồng sáng lập Viện Chính sách Australia-Việt Nam. Những sáng kiến này giúp thúc đẩy các hoạt động gắn kết, hợp tác và thương mại trong khu vực.

Thông qua việc hỗ trợ nhiều hoạt động khác nhau xuyên suốt tuần lễ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh, chúng tôi được dịp giới thiệu mạng lưới Trung tâm Kết nối doanh nghiệp và Đổi mới sáng tạo tại Melbourne và Hà Nội với đại diện các nước ASEAN, thể hiện rõ vai trò của trường là nhà lãnh đạo tư duy giáo dục hàng đầu trong khu vực.

Chúng tôi thật sự mong chờ chứng kiến nhiều cuộc thảo luận đem lại nhiều thông tin xuyên suốt các hoạt động của tuần lễ Hội nghị Thượng đỉnh./.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Anh Thơ (thực hiện)