In bài viết

Rừng châu Á đang bị đe dọa

Một báo cáo vừa được Tổ chức Nghiên cứu công nghiệp và khoa học liên bang Australia (CSIRO) và Chương trình Môi trường LHQ (UNRP) công bố cho thấy khu vực châu Á sẽ cạn kiện gỗ trong vòng chưa đầy 30 năm tới nếu tốc độ khai thác gỗ hiện tại vẫn tiếp tục.

13/10/2011 14:40

Giáo sư Steve Keen thuộc CSIRO cho biết, việc sử dụng tài nguyên tại châu Á cần cắt giảm 80% để có thể duy trì tài nguyên rừng một cách bền vững. Nếu xu hướng khai thác hiện tại tiếp tục, nguồn cung cấp cây tới thời kỳ khai thác sẽ cạn kiệt vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Đến năm 2038, nếu xu hướng sử dụng hiện nay vẫn duy trì, nguồn cung gỗ ở châu Á sẽ cạn kiệt.

Những cánh rừng già tươi đẹp đang dần biến mất

Theo giáo sư Adreas Schloenhardt, chuyên gia pháp luật tại Đại học Queensland, sự thiếu hụt nguồn cung là động lực dẫn tới nạn khai thác gỗ lậu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Adreas Schloenhardt cho biết, ở một số quốc gia, Chính phủ đã cố gắng đảo ngược xu hướng khai thác gỗ bừa bãi bằng cách đặt một số vùng rừng rộng lớn dưới sự bảo vệ đặc biệt. Như vậy, các công ty hoặc tội phạm chỉ còn một số ít các khu vực có thể khai thác gỗ. Tất nhiên, mặt trái của biện pháp này là việc khai thác gỗ chuyển sang các khu vực khác, đặc biệt là các nước không có hoặc lỏng lẻo trong các quy định về bảo vệ rừng.

Giáo sư Schloenhardt nêu ra các trường hợp cụ thể là : Indonesia sẽ chuyển sang hệ thống cung cấp gỗ từ đồn điền lâm nghiệp thay vì từ các khu rừng nguyên sinh. Điều này có nghĩa là Indonesia sẽ cung cấp sản lượng gỗ thấp hơn, nhưng ổn định hơn. Tuy nhiên, các nước khác như Malaysia - Myanmar tách biệt khỏi xu hướng chung. Các nước này tiếp tục khai thác và sản xuất gỗ với một tốc độ không bền vững để giá thành cạnh tranh rẻ hơn những nơi khác.

Số liệu được ABC công bố năm ngoái cho thấy, khoảng 10% lượng gỗ nhập khẩu vào Australia là gỗ khai thác trái phép, phần lớn dưới dạng bàn ghế dùng ngoài trời, gỗ dùng cho xây dựng và gỗ dán (ván ép). Khai thác gỗ trái phép là một vấn đề nghiêm trọng ở nhiều nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là Indonesia, nơi tình trạng phá rừng đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Tại những nước như Papua Niu Ghinê, 90% các vụ khai khác gỗ là bất hợp pháp.

Linh Phương